(HNM) - Hiện nay, tình trạng môi trường suy thoái đang diễn ra ngày càng phức tạp. Để phát triển bền vững, việc sử dụng những công nghệ thân thiện với môi trường, giảm phế thải độc hại và tăng cường khả năng tái chế; đầu tư công nghệ mới, sử dụng năng lượng hợp lý... là xu hướng các doanh nghiệp (DN) đang hướng tới.
Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam mỗi năm đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng cho việc bảo vệ môi trường. Ảnh: Yến Ngọc
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, việc bảo vệ môi trường (BVMT) đã, đang trở thành tiêu chí trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Để phù hợp với tiêu chí này, nhiều DN đã tự đổi mới hoạt động sản xuất, làm ra sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Điển hình như Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam mỗi năm đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng cho việc BVMT, trong đó khoảng 60-70% số vốn được dành cho các dự án sử dụng nguồn quỹ môi trường tập trung. Tập đoàn này cũng đã dành hàng trăm tỷ đồng xây dựng 30 trạm xử lý nước thải, thực hiện một số dự án cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải mỏ; phấn đấu đến năm 2020 cơ bản cải thiện môi trường vùng than Quảng Ninh. Nhiều DN cũng quan tâm đến BVMT. Năm qua, Công ty CP Xi măng Hạ Long đã đầu tư 6 tỷ đồng và năm nay tiếp tục đầu tư hơn 6 tỷ đồng cho hoạt động BVMT. Bên cạnh các DN tích cực BVMT, vẫn còn nhiều DN chưa quan tâm đến việc đầu tư bảo vệ cảnh quan, môi trường sản xuất. Văn phòng Phát triển bền vững của VCCI thành lập được hơn 2 năm với mục đích hỗ trợ DN thực hiện công tác BVMT, sản xuất xanh hơn, nhưng cả nước mới có khoảng 30 DN tham gia. Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, đại diện các DN cho rằng, khó khăn lớn nhất là họ thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi lại không dễ. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nhà nước đã chi khoảng 1% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho các hoạt động sự nghiệp về BVMT, nhưng so với thực trạng ô nhiễm hiện nay, mức chi này như "muối bỏ bể". Các ngành chức năng đang kiến nghị cần tiếp tục nâng dần mức chi cho sự nghiệp BVMT qua từng năm, phấn đấu đến năm 2015 đạt không dưới 2% tổng chi NSNN.
BVMT với những giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng (TKNL) ngày càng được quan tâm trong bối cảnh thế giới đã thấy rõ ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu và ở nước ta mấy năm gần đây, vấn đề này cũng được nhiều DN ứng dụng, trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng. Đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, những năm gần đây DN này đã ứng dụng nhiều giải pháp "công nghệ xanh", trong đó có những trạm thu và phát sóng (BTS) cho mạng di động ứng dụng công nghệ TKNL. Tính năng tự động chuyển mạng sang chế độ chờ khi không sử dụng đã giúp trạm BTS giảm được 25% số năng lượng tiêu hao. Ngoài các mạng điện thoại di động, các công ty cung cấp dịch vụ số liệu (cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, dịch vụ bảo mật…) cũng đã đầu tư cho giải pháp công nghệ TKNL. Công ty CP Dịch vụ số liệu toàn cầu (GDS - liên doanh giữa Tập đoàn VNPT và NTT của Nhật Bản) khẳng định, ngay từ khi bắt đầu hoạt động (cuối năm 2009) DN này đã rót kinh phí vào các thiết bị trung tâm dữ liệu TKNL. Ước tính, việc tiết kiệm chi phí điện năng 20-30% giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí vận hành trong hoạt động của DN. Trong lĩnh vực tài chính, một số ngân hàng trong nước cũng đã ứng dụng các công nghệ mới giúp TKNL và giảm chi phí đầu tư. Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) đã ứng dụng công nghệ điện toán lưới, cho phép nối nhiều máy chủ với nhau theo cấu trúc hai máy chủ cùng chạy song song cho hệ thống ngân hàng lõi. Với cấu trúc này, hệ thống phần mềm ngân hàng lõi của SeABank bảo đảm hoạt động liên tục. Sau đó, SeABank triển khai thêm hệ thống chuyển mạch thẻ cũng trên hai máy chủ này. Khi lượng giao dịch gia tăng, SeABank đã phải trang bị thêm máy chủ chạy đồng thời thứ ba và trên hệ thống điện toán lưới chạy cùng một lúc ba máy chủ, SeABank đã cài đặt thêm ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Việc sử dụng nhiều ứng dụng trên cùng một hệ thống điện toán lưới sẽ tiết kiệm được một nửa chi phí.
Như vậy, để giúp DN thực hiện có hiệu quả "công nghệ xanh", các ngành chức năng cần khuyến khích DN tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm chất phát thải gây hiệu ứng nhà kính; cam kết sử dụng và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm giảm khí CO2 gây biến đổi khí hậu toàn cầu; tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường, tiến tới hình thành ngành công nghiệp tái chế ở nước ta…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.