(HNM) - Ngày 24-10-1945, sau những mất mát to lớn từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên hợp quốc đã ra đời mang theo khát vọng chung của toàn nhân loại về hòa bình, an ninh và phát triển. Qua 75 năm hoạt động với những thành tựu nổi bật, tổ chức này đã chứng tỏ vai trò trung tâm và uy tín trong các hoạt động hợp tác, được công nhận là nền tảng không thể thiếu vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng.
Từ 51 quốc gia thành viên
khi mới thành lập, Liên hợp quốc hiện đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập. Theo Hiến chương Liên hợp quốc, các nước đã trao cho tổ chức này trọng trách hướng tới 4 mục tiêu chung là: Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.
Năm nay, Liên hợp quốc kỷ niệm 75 năm thành lập trong bối cảnh đặc biệt trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Song cũng chính đại dịch đã nhắc nhở nhân loại rằng mọi người đều kết nối và có tác động tương hỗ với nhau. Dù các quốc gia phải tạm thời áp dụng biện pháp hạn chế, đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhưng thế giới đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết thông qua nỗ lực chia sẻ, hợp tác. Trong tuyên bố nhân kỷ niệm 75 năm thành lập, Liên hợp quốc đã khẳng định các thách thức của thế giới chỉ có thể được giải quyết thông qua hệ thống đa phương mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới xây dựng một thế giới công bằng và bền vững.
Trải qua nhiều thăng trầm cùng những vấn đề đặt ra về hiệu quả hoạt động và cải tổ bộ máy, Liên hợp quốc vẫn chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị quốc tế. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã khẳng định, đây là cấu trúc toàn cầu không thể thay thế, tạo ra cơ hội cho các cuộc đối thoại bình đẳng đa phương. Sự lớn mạnh của Liên hợp quốc chính là nhờ mục tiêu đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng hòa bình, độc lập, phát triển và tiến bộ xã hội của các dân tộc.
Trong thông điệp gửi tới Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi cuối tháng 9-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, chúng ta cần một Liên hợp quốc cho tương lai phải thực sự là tổ chức gắn kết, ở đó mỗi thành viên, không phân biệt lớn nhỏ, giàu nghèo, được đóng góp tiếng nói về những vấn đề cùng quan tâm, và cũng là "vườn ươm" cho những sáng kiến, ý tưởng hợp tác đa phương vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng trên thế giới.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc. Năm nay cũng là dấu mốc đặc biệt của Việt Nam khi lần thứ hai đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế.
Gửi lời chúc mừng Ngày thành lập Liên hợp quốc tới Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi tổ chức này là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại, là đối tác quan trọng hàng đầu và luôn ý thức về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác nhiều mặt, hiệu quả giữa Việt Nam và Liên hợp quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.