(HNM) - Hà Nội hiện đứng thứ ba cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước và được đánh giá là địa phương đi đầu ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính (CCHC).
Hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính được người dân sử dụng ngay sau khi làm các thủ tục dịch vụ tại bộ phận "một cửa" quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Viết Thành |
Hiệu quả đã rõ
Để phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ đầu năm 2016, UBND thành phố đã đề xuất và được Bộ Công an chấp thuận thí điểm khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư để cung cấp dịch vụ công và quản lý kinh tế, xã hội trên địa bàn. Ngay sau đó, UBND thành phố giao Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT), với tư cách là cơ quan tham mưu và quản lý nhà nước chuyên ngành - phối hợp với các đơn vị triển khai thí điểm khai thác cơ sở dữ liệu này vào cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại hai quận Long Biên, Nam Từ Liêm.
Theo Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ, sau một tháng thí điểm, quận Nam Từ Liêm đã cung cấp dịch vụ công mức độ 3 cho 206 hồ sơ qua mạng. So với phương thức cũ, phương thức mới không chỉ tiết kiệm thời gian mà qua đó, cá nhân và tổ chức có thể nắm bắt được quy trình, trạng thái (xử lý) thủ tục... nên được đánh giá cao.
Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà cho biết, cũng trong một tháng quận đã cấp phép qua mạng cho 297 hồ sơ. Kết quả khảo sát và tiếp nhận ý kiến đóng góp cho thấy, người dân ủng hộ và mong muốn quận tiếp tục triển khai việc cung cấp dịch vụ công qua mạng. Quan điểm chỉ đạo của quận Long Biên là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước, đặc biệt là để phục vụ người dân và các tổ chức, doanh nghiệp. Đây cũng là cách làm bảo đảm công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Việc tiếp nhận thủ tục hành chính được thực hiện theo nguyên tắc theo dõi và giải quyết từng khâu, đến từng công đoạn và gắn với trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức. Do vậy, khi hồ sơ chậm trễ đều được cảnh báo, nhắc nhở; nếu hồ sơ muộn, quận có thư xin lỗi. Việc thí điểm khai thác các cơ sở dữ liệu phục vụ công việc này được triển khai trong thời gian ngắn… song quận bảo đảm được việc đào tạo CNTT cho toàn bộ công chức để vận hành được ngay.
Ngoài hai quận vừa nêu, hệ thống thông báo lưu trú, khai báo tạm trú trực tuyến được Công an TP Hà Nội đưa vào vận hành từ đầu tháng 2-2016 đã nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm tình trạng các cơ sở có người nước ngoài tạm trú phải đến trụ sở cơ quan công an thực hiện việc thông báo lưu trú, khai báo tạm trú. Nhờ vậy đã vừa quản lý các cơ sở kinh doanh lưu trú tốt hơn, vừa tạo sự thuận lợi cho các chủ doanh nghiệp.
Người dân tại mô hình thí điểm tổ dân phố, khu dân cư điện tử (Khu dân cư số 6, 7, 8, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân). Ảnh: Viết Thành |
Đồng bộ thiết bị, cập nhật kho dữ liệu
Để hình thành chính quyền điện tử, việc các cơ quan nhà nước sử dụng phần mềm, mạng LAN, mạng WAN cũ, mới của nhà cung cấp khác nhau và dùng song song là không tránh khỏi... Vì vậy, trong quá trình khai thác, sử dụng, các cơ quan nhà nước phải tận dụng dữ liệu, thông tin... từ hệ thống cũ. Yêu cầu thiết lập hệ thống phần mềm dùng chung là cần thiết do sử dụng chung không chỉ tiết kiệm được chi phí từ ngân sách mà việc sử dụng dữ liệu sẽ được cập nhật để người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, ngành, đơn vị nắm bắt được hoạt động xảy ra trên địa bàn mình quản lý. Đặc biệt, hệ thống cơ sở dữ liệu còn góp phần minh bạch hóa, ngăn chặn khai man, tiêu cực…
Việc thí điểm khai thác cơ sở dữ liệu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng đặt ra yêu cầu về sự đồng bộ của thiết bị. "Các cơ quan nhà nước đang sử dụng đồng thời nhiều phần mềm và thực tế một số phần mềm không tương thích với nhau, khiến cán bộ cấp cơ sở lúng túng khi thực hiện. Ngay tại một đơn vị, do sử dụng nhiều phần mềm cùng lúc nên có phần việc cán bộ, công chức phải sử dụng 2 máy tính, khiến việc thực hiện mất thời gian..." - Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà cho biết, đồng thời kiến nghị thành phố sớm ban hành quy trình thống nhất, chính thức phân định rõ trách nhiệm các khâu, để cấp cơ sở vận hành bài bản, không để tình trạng thử nghiệm kéo dài…
Đây cũng là đề xuất của lãnh đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm. Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ thông tin thêm: Sau khi triển khai thí điểm khai thác cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, quận kiến nghị Sở TT-TT và nhà cung cấp bảo đảm chất lượng thiết bị và đường truyền ổn định cao, để phục vụ người dân được thuận lợi. Hiện nay, chúng tôi thực hiện "3 trong 1" với thủ tục cấp giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi… Nhưng cả 3 phần mềm lại chưa kết nối, chưa liên thông được với cơ quan công an, với đơn vị bảo hiểm y tế… nên cán bộ "một cửa" của quận phải làm "thủ công", mất thời gian.
Yêu cầu tất yếu
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của UBND và cơ quan hành chính các cấp được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội. Đây cũng là tinh thần của buổi làm việc giữa thành phố với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã sáng 18-2, về triển khai ứng dụng CNTT. Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Sở TT-TT, với vai trò là cơ quan tham mưu, cần tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết của HĐND thành phố về Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; chú trọng phát triển theo hướng tập trung, thống nhất cơ sở hạ tầng, về ứng dụng dùng chung, các dịch vụ công của thành phố. Song song quá trình này, việc đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công việc là rất quan trọng nhằm thực hiện hiện đại hóa hành chính, góp phần tạo bước đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.