Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới cân bằng cán cân thương mại

Hồng Sơn| 10/05/2010 07:09

(HNM) - Nền kinh tế đang phục hồi và thể hiện rõ sự ổn định, dẫn tới việc gia tăng cả về kim ngạch xuất khẩu (KNXK) và nhập khẩu (XK). Tuy vậy, vấn đề đặt ra là cần quan tâm thỏa đáng và khống chế mức nhập siêu thế nào như đã đề ra trong năm kế hoạch 2010... để hướng tới mục tiêu cân bằng cán cân thương mại.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty May Việt Tiến. Ảnh: Hà Thái

Xuất khẩu đã lấy lại phong độ

KNXK của cả nước tháng 4 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng 3, trong đó XK của các doanh nghiệp (DN) trong nước đạt 2,61 tỷ USD, tăng 6,1%. So với tháng 4-2009 (là tháng khó khăn nhất của XK Việt Nam), KNXK tháng 4 năm nay tăng 33,5%. Xét theo nhóm hàng, nhóm hàng nông - lâm - thủy sản tăng 17,8%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng 4,0%; nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 39,7%. Tính chung, KNXK 4 tháng đạt 20,16 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng mừng, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 10,32 tỷ USD, tăng 12,7% và là mức tăng cao nhất trong số các nhóm hàng. Thực tế này cho thấy, trình độ phát triển của nền kinh tế ngày càng cải thiện, cơ cấu hàng XK dần thay đổi về chất, theo hướng hiện đại, gia tăng tỷ trọng và hàm lượng chế biến trong hàng hóa XK, mang lại giá trị gia tăng cao hơn tính trên từng đầu sản phẩm. Hiện đã có 6 mặt hàng có KNXK hơn 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép. Cụ thể, thủy sản đạt kim ngạch 1,28 tỷ USD, gạo: 1,12 tỷ USD, dầu thô: 1,78 tỷ USD, sản phẩm gỗ: 1 tỷ USD, dệt may: 3,04 tỷ USD, da giày: 1,36 tỷ USD. Ngoài ra, một số mặt hàng có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng XK, như than đá đạt 485 triệu USD (tăng 27,8%); linh kiện điện tử ước đạt 0,99 tỷ USD (tăng 39,1%); máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 0,9 tỷ USD (tăng 78,4%); dây và cáp điện và phương tiện vận tải và phụ tùng hơn 2 lần. Tuy nhiên, một số mặt hàng giảm, như sắn và sản phẩm sắn giảm 52,4% về lượng và 12,9% về kim ngạch; cà phê giảm 16,1% về lượng và 22,7% về kim ngạch (tương đương 193 triệu USD). Đáng chú ý là, giá nhiều mặt hàng XK tăng trên thị trường thế giới đã đóng góp đáng kể vào KNXK, như giá hạt điều tăng 16,3%, chè các loại tăng 5,5%, hạt tiêu: 28,7%, gạo: 15,2%, sắn và sản phẩm từ sắn: 83,4%, than đá: 44,9%, dầu thô: 72,1%, cao su: 96,5%. Tính chung, sự tăng giá này góp phần tăng thêm khoảng 1,45 tỷ USD trong tổng KNXK. Tốc độ tăng trưởng KNXK tháng 4 và bốn tháng vào một số thị trường chính như châu Á tăng lần lượt so với cùng kỳ năm ngoái là 42,4% và tăng 37,8%; EU tăng 11,3% và tăng 5,5%; Hoa Kỳ tăng 22,3% và tăng 22,6%; Trung Quốc tăng 62,3% và tăng 54,6%. .

Cảnh báo mất cân bằng cán cân thương mại

KNNK tháng 4 ước 6,95 tỷ USD, tăng 3% so với tháng 3 và tăng 25% so với tháng 4-2009, trong đó NK của các DN trong nước ước đạt 4 tỷ USD, tăng 10,7%; nhưng DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 2,95 tỷ USD, tăng 51,5%. Tính chung bốn tháng, KNNK đạt 24,8 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ. Trong đó NK của các DN trong nước đạt 14,56 tỷ USD, tăng 23,4%, NK của các DN có vốn ĐTNN ước đạt gần 10,25 tỷ USD, tăng 55,6%. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất đã phục hồi và kéo theo nhu cầu NK phục vụ sản xuất của DN tăng trở lại. Xét theo nhóm hàng, thì nhóm hàng cần thiết NK bốn tháng ước đạt 19,24 tỷ USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ); nhóm hàng cần phải kiểm soát ước đạt 2,91 tỷ USD (tăng 58,8% so với cùng kỳ); nhóm hàng hạn chế NK ước đạt 2,66 tỷ USD (tăng 44,5% so với cùng kỳ)...

Cũng như XK, giá nhiều mặt hàng trên thị trường tăng mạnh so với cùng kỳ là một trong những nguyên nhân khiến KNNK tăng cao. Trong đó giá xăng dầu các loại tăng 55,8%, khí đốt hóa lỏng: 50,8%, chất dẻo nguyên liệu: 45,5%, sợi các loại: 34,3%, phôi thép: 19,7%, kim loại thường: 56%... Yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm KNNK tăng thêm hơn 1,8 tỷ USD.

Giá trị nhập siêu bốn tháng đầu năm đạt hơn 4,6 tỷ USD, chiếm 23,1% KNXK. Đáng lưu ý là nhập siêu từ Trung Quốc chiếm khoảng 75,4% tổng mức nhập siêu của cả nước. Bộ Công thương đánh giá, nhìn chung mức nhập siêu vẫn đáng báo động, có thể gây mất ổn định cho nền kinh tế. Do vậy, để khống chế được tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu cả năm dưới mức 20% như kế hoạch, giải pháp trước mắt cần làm là kiểm tra chặt chẽ việc NK các nhóm hàng cần kiểm soát, nhất là nhóm hàng cần hạn chế NK. Các chuyên gia khuyến cáo, ngành chức năng phải theo dõi, khống chế những mặt hàng có KNNK lớn, các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh trong thời gian gần đây, các mặt hàng trong nước đã sản xuất được (như sắt, thép các loại, phân bón, một số loại máy móc thiết bị phụ tùng...). Đồng thời, đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại nhằm tìm thị trường mới; đề xuất và thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh XK, kiểm soát NK; theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, tránh nhập hàng xa xỉ hoặc chưa cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới cân bằng cán cân thương mại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.