(HNM) - Thời buổi ai ai cũng tất bật, việc làm thơ, ra tập thơ không còn là sự kiện
Đây là tập thơ thứ 8 của chị, một người được đào tạo về biên kịch điện ảnh tại Nga, nhưng cũng lại là người có hơn 20 năm lãng du với thơ và văn xuôi. Tập thơ thứ 8, cách tập đầu tiên 24 năm, thời gian là sự trải nghiệm. Thế nên trong 100 trang sách này, chị đứng ở nhiều vai: Người nghệ sĩ nhạy cảm, người mẹ nhớ con, người bà thương nhớ cháu, người vợ “Đêm nằm ngủ cũng nhớ chồng - trong mơ”, là người cháu, người con, người bạn… và một người yêu Hà Nội.
Chỉ có một điều nhất quán là giọng thơ thủ thỉ như trò chuyện, chân thành nên không màu mè, khó hiểu. Lắm khi người đọc cũng gặp phải những câu dài… đến hết hơi, rồi lại mỉm cười vì sự đáng yêu của câu thơ giản dị, thật với đời, thật với mình. Như trong bài “Dỗi”. Nhiều câu thơ buông giống tiếng thở dài, như khi đối diện trước triết lý sống của người cô độc thân “Giữa cuộc đời dâu bể/Trong căn nhà lẻ loi/Cháu thì buồn rụng buồn rơi/Cô bình thản ngồi nghe đài - 67 năm đã trôi qua dường như không - có - gì - thay - đổi”.
Đọc “Cỏ thơm mây trắng” cũng bắt gặp ở đây những đường dẫn cảm xúc kết nối với tâm tư của cả một thế hệ. “Cháu đi học xa” của Nguyễn Thị Hồng Ngát có cái tâm trạng như trong nhiều bài thơ viết cho cháu của Vũ Quần Phương. Ở đó chất chứa tình cảm của những người đã ở tuổi ông bà với con cháu trong một thế giới “phẳng” - nghe thấy nhau, nhìn thấy nhau qua mạng internet hằng ngày nhưng kỳ thực xa nhau có đến mấy ngàn dặm. Làm người con, nhà thơ bày tỏ: “Ở giữa bãi sông Hồng/Có mẹ ta yên nghỉ/Mùa hè với mùa đông/Cánh đồng ngô thầm thĩ/Đã hơn bốn mươi năm/Đường làng thương bóng mẹ/Bếp dù có đỏ lửa/Vẫn thiếu bàn tay che”… Thì đây, Phan Thị Thanh Nhàn trong cô đơn, đau khổ đã viết “Mẹ ơi con nhớ mẹ/Trong những lúc thế này/Con thiếu một giọng nói/Con thiếu một bàn tay…”.
Trong trang sách - cuộc đời ở “Cỏ thơm mây trắng”, thơ tình của Nguyễn Thị Hồng Ngát vẫn là một mảng thú vị. Bài “Gửi anh” có ghi chú: “Bài thơ này vừa được tìm thấy sau 40 năm - cảm ơn một người quen ở xa đã giữ được và gửi cho”. Chả biết cái người quen ấy là ai, chỉ biết bài thơ đầy xao xuyến “Đêm mùa xuân mưa rơi, mưa rơi/Từng hạt trắng đậu đầy mái tóc/Em gọi thầm anh ơi, anh ơi/Có nghe tiếng lòng em đang khóc”.
Nguyễn Thị Hồng Ngát có tác phẩm in đầu tiên năm 1988, tập “Nhớ và khát”, sau đó cứ 2 hoặc 3 năm chị lại có một tập thơ mới. Cho đến năm 2006 thì nghỉ một mạch 6 năm mới cho ra “Cỏ thơm mây trắng”. Có thể nhiều người chưa biết nhà thơ còn có 4 tác phẩm văn xuôi khác gồm tiểu thuyết, tập truyện, truyện vừa, phê bình tiểu luận về điện ảnh. Riêng ở lĩnh vực điện ảnh, chị là nhà biên kịch có tiếng với những kịch bản đã góp phần làm nên những tác phẩm giá trị cho nghệ thuật thứ bảy của nước nhà như “Canh bạc”, “Trăng trên đất khách”, “Ký ức Điện Biên”…
Làm một vai đã khó, đằng này Nguyễn Thị Hồng Ngát có tới ba vai trong một con người, cho dù cùng là nghệ sĩ cả. Biết như thế nên buồn vui cũng gói lại cả trong những câu thơ này!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.