Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng làm giàu của nông dân Tứ Hiệp

Thu Hằng| 21/09/2011 07:40

(HNM) - Mặc dù nghề nuôi trồng thủy sản ở đây phải đối mặt với không ít khó khăn như thiên tai, dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm, đầu ra không ổn định... nhưng không ít nông dân nơi đây đang giàu lên từ chính nghề này...


Nghề làm giàu


Thu hoạch cá tại xã Tứ Hiệp (Thanh Trì).   Ảnh: TTXVN

Tứ Hiệp là xã thuần nông lấy sản xuất lúa làm chính, hơn 10 năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, hình thành vùng NTTS tập trung. Chủ tịch Hội Nông dân xã Tứ Hiệp Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tổng số 202,8ha đất nông nghiệp thì có tới 135ha mặt nước đã và đang NTTS (chiếm gần 67%), cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cấy lúa; 54ha chuyên trồng rau màu và chỉ còn 13,8ha trồng lúa. Từ mô hình NTTS, đời sống của người nông dân được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông thôn thay đổi. Nhiều hộ từ chỗ cuộc sống nghèo khó, nhờ mô hình NTTS phát triển đã vươn lên làm giàu, có của ăn, của để.

Khu đầm Lớn thuộc địa phận thôn Cổ Điển A, xã Tứ Hiệp trải rộng mênh mông với tổng diện tích 23,1ha là diện tích mà hội viên nông dân Quán Hải Hồng thôn Đồng Trì đang thuê thầu để NTTS. Đây là hộ NTTS có quy mô lớn nhất xã và cũng là một trong những "tỷ phú" có thâm niên 25 năm NTTS ở vùng đất trũng Tứ Hiệp. Anh Hồng cho biết, từ nuôi cá theo hình thức quảng canh, năm 2002 trở lại đây gia đình nuôi theo hình thức thâm canh, tăng vụ nên giá trị sản xuất tăng gấp 2-3 lần so với trước. Vì vậy, từ 2 lứa cá /năm, nay mỗi năm gia đình anh Hồng thu 4 lứa cá. Hiện tại, khu đầm của gia đình anh Hồng đang nuôi các loại cá rô phi, mè, chép, trôi, trắm, chim trắng theo hình thức bán công nghiệp. Theo anh Hồng, tổng doanh thu từ cá đạt 2,4 tỷ đồng/lứa, trừ chi phí thu về trên 1 tỷ đồng tiền lãi/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, khu NTTS này đã và đang giải quyết cho 5 lao động thường xuyên với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/lao động và khoảng 25 lao động thời vụ.

Ngay gần khu đầm Lớn, khu ao cá Bác Hồ rộng 12ha đang được ông Quán Văn Thuận nhận thầu NTTS theo hình thức bán công nghiệp. Từ mô hình này mỗi năm gia đình ông Thuận thu 700-800 triệu đồng tiền lãi. Ngoài hộ anh Hồng, ông Thuận, ở xã Tứ Hiệp có 45 hộ đang thực hiện mô hình NTTS cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ NTTS với diện tích mặt nước lớn như hộ ông Quán Văn Hướng 6,93ha ở khu đồng Ba; anh Quán Văn An 4,53ha ở khu Ủi B; Nguyễn Văn Bằng 10,8ha ở khu Hai cây. Tất cả các ao trong khu dân cư ở Tứ Hiệp đều được giao thầu cho nông dân NTTS đem lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần điều hòa nước tưới, tiêu, bảo vệ môi trường nông thôn.

Lo đầu ra cho nông dân

Đánh giá về mô hình NTTS xã Tứ Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Trì Phạm Văn Long khẳng định, NTTS là mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng lúa và một số loại cây trồng khác. Giá trị NTTS trên địa bàn huyện đạt bình quân 110 triệu đồng/năm. Hiện nay, Tứ Hiệp cùng với xã Đông Mỹ là hai vùng NTTS lớn của huyện Thanh Trì cung cấp thủy sản cho khu vực nội thành. Để hỗ trợ nông dân NTTS, Hội Nông dân huyện Thanh Trì đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các khóa học NTTS ngắn ngày, tập huấn nâng cao kinh nghiệm, kiến thức NTTS cho nông dân. Các cấp Hội ND tích cực khai thác các nguồn vốn giúp nông dân được vay đầu tư phát triển sản xuất. Mới đây, Hội Nông dân TP Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) và Huyện ủy Thanh Trì tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp, TTCN trên địa bàn để tìm nơi tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp thu gom nên đầu ra cho mặt hàng thủy sản bấp bênh, tình trạng tư thương ép giá thường xuyên xảy ra. Anh Quán Hải Hồng cho biết, hiện tại toàn bộ lượng thủy sản của gia đình anh đều bán trên thị trường tự do nên gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Nhiều vụ thu hoạch, do không tìm hiểu kỹ thị trường nên khi đánh bắt cá lên bờ không bán được lại phải thả xuống dẫn đến tình trạng cá chết, gây thiệt hại cho gia đình. Mong muốn lớn nhất của nông dân Tứ Hiệp là có một tổ chức đứng ra giúp nông dân tiêu thụ nông sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng làm giàu của nông dân Tứ Hiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.