(HNMO)- “Năm 1905, có hiệu ảnh của người Việt rất nổi tiếng là hiệu ảnh Hương Ký ở 86 phố Hàng Trống. Hồi Đại chiến thứ nhất, ông Hương Ký từng sang Pháp học nghề ảnh” - Trích tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Hiệu ảnh Hương Ký năm 1961 trên đất Tây Nguyên |
Tôi gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Hương Vượng trong khuôn viên khu Biệt Điện - nơi diễn ra triển lãm ảnh nghệ thuật của Chi Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Đắk Lắk năm 2009. Ấn tượng với tác phẩm “Mặt nạ” - một tấm ảnh với phong cách ảnh thử nghiệm. Và càng ấn tượng hơn với cái tên tác giả Hương Vượng. Tôi hỏi nhỏ người bạn đồng hành rằng “Liệu Hương Vượng có liên quan gì đến Hương Ký của Hà Nội không?” và được người bạn vong liên vỗ vai cười rõ tươi rồi giới thiệu trực tiếp với nghệ sĩ nhiếp ảnh Hương Vượng.
Trả lời cho câu hỏi của tôi, NSNA Hương Vượng đã cho xem rất nhiều tài liệu mà gia đình lưu trữ được về Hương Ký Hà Nội và Hương Ký ở Buôn Ma Thuột của gia đình ông càng khiến tôi bất ngờ. NSNA Hương Vượng là cháu nội của cụ Hương Ký xưa - chủ nhân của tiệm ảnh một thời nổi tiếng khắp Hà Thành.
Có một Hương Ký trên đất Tây Nguyên
Cụ Nguyễn Lan Hương (1887-1949) - chủ nhân của tiệm ảnh Hương Ký là một nhà nhiếp ảnh, làm phim nổi tiếng của Hà Nội hồi đầu thế kỷ 20. Ông là người sản xuất bộ phim đầu tiên ở nước ta có tựa đề Đồng tiền kẽm tậu được ngựa (1921), tiếp đến là các phim Ninh Lăng (1926), Tấn tôn Đức Bảo Đại (1926), Đám tang tướng Đường Kế Nghiêu (1929). Cùng thời bấy giờ ông đã mở tiệm ảnh mang tên Hương Ký. Theo Tủ sách 1000 năm Thăng Long thì “Năm 1905 có hiệu ảnh của người Việt rất nổi tiếng là hiệu ảnh Hương Ký ở 86 phố Hàng Trống. Hồi Đại chiến thứ nhất, ông Hương Ký từng sang Pháp học nghề ảnh”.
Năm 1949, cụ Nguyễn Lan Hương mất, tiệm ảnh Hương Ký được giao cho con trai là Nguyễn Đức Thuận quản lý. Năm 1955, ông Nguyễn Đức Thuận chuyển gia đình vào Sài Gòn và sau đó chọn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Tiệm ảnh Hương Ký ở Buôn Ma Thuột cũng không kém phần nổi tiếng. Sau này, hiệu ảnh Hương Ký ở Buôn Ma Thuột cũng được tách ra làm các hiệu ảnh nhỏ với tên như Hương Phong, Hương Vượng và vẫn chủ yếu làm ảnh dịch vụ...
Năm 2003, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hương Vượng - cháu nội thứ 6 của cụ Hương Ký được kết nạp vào Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, cũng như các vùng "lãnh thổ" cho ảnh nghệ thuật đã là bước ngoặt lớn. Với những tác phẩm mang đậm phong cách, hơi thở, con người Tây Nguyên, nghệ sĩ Hương Vượng đã là người tiên phong cho việc phát triển nghề ảnh dịch vụ của gia đình lên nấc thang mới - ảnh nghệ thuật thử nghiệm.
Nghệ sĩ Hương Vượng đến với nhiếp ảnh nghệ thuật như cái duyên định sẵn. Gắn bó với nghề ảnh từ năm 14 tuổi tự nhiên như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Từ những ngày thơ bé, đến khi trưởng thành, xây dựng cuộc sống gia đình, Hương Vượng đều sống bằng nghề ảnh của gia đình truyền lại. Những năm đầu của thế kỷ 21, việc sử dụng Photoshop trong chỉnh sửa ảnh dịch vụ ở Buôn Ma Thuột của Hương Vượng cùng các anh em trong gia đình được coi là một hiện tượng.
Nhưng ít ai biết được người thầy đầu tiên đưa Hương Vượng đến với Photoshop chính là cha của ông. Sau khi ông Nguyễn Đức Thuận chuyển sang Đan Mạch sinh sống cùng con gái, ông vẫn không nguôi trăn trở về nghề ảnh của gia đình. “Có những lần ông lang thang trên các con phố, nhìn thấy những cửa hàng ảnh là máu nghề nghiệp lại nổi lên. Tôi vào ngó nghiêng, ngắm nghía và phát hiện ra, người Châu Âu đã áp dụng phần mềm Photoshop để xử lý ảnh trong nhiếp ảnh dịch vụ cũng như ảnh nghệ thuật. Và tôi nghĩ ngay đến việc phải học lấy nó” - Cha của nghệ sĩ Hương Vượng tâm sự với tôi trong lần gặp ông về Việt Nam cuối năm 2009.
Hương Ký năm 1995 |
Càng học, càng thực hành bằng cách chỉnh, sửa ảnh cho các cháu, thấy được những tiện ích, hiệu quả của máy móc, kỹ thuật đem lại cho những tấm ảnh, ông nghĩ ngay đến việc phải nói cho các con mình đang sống bằng nghề ảnh ở Việt Nam biết. Nghĩ là làm, ngoài 70 tuổi, ông sắm cho mình chiếc máy ảnh kỹ thuật số và bắt đầu học cách sử dụng máy tính. Vừa học sử dụng phần mềm ông vừa dịch tài liệu về Photoshop qua các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đan Mạch rồi viết thành tài liệu làm quà mang về cho các con.
Mùa hè năm 2001, ông hoàn thành cuốn tài liệu của mình với 70 trang giấy khổ A4 với 3 phần từ những thao tác căn bản, nhỏ nhất như đóng mở chương trình đến phần yêu cầu sự khéo léo chấm sửa, tô màu cho ảnh… “Nghe lời cha, đầu tư máy tính, anh em chúng tôi tiếp cận với máy tính và học nó say mê. Giờ đây, tôi thuộc từng dòng trong tập tài liệu ấy và cả gia đình coi cuốn tài liệu đó như là vật báu gia truyền” - nghệ sĩ Hương Vượng chia sẻ khi lấy cuốn tài liệu cho tôi xem.
Trở về quê hương, một ngày không xa...
Sau những ngày tìm tòi, mầy mò với phần mềm chỉnh sửa ảnh, nghệ sĩ Hương Vượng như người khát, gặp dòng nước mát. “Đầu tiên, tôi say xưa với những tấm ảnh chụp cho khách. Nhưng rồi quen dần với cách sửa ảnh trên nền truyền thống tôi nghĩ đến việc phải làm mới những tác phẩm của mình” - Hương Vượng chia sẻ. Lên mạng đọc tài liệu về nghệ thuật ảnh thử nghiệm và lần mò thực hành, sáng tạo, tỉ mẩn ngồi sửa ảnh, ghép những mảnh nhỏ thành ý tưởng… và Hương Vượng đã đam mê ảnh thử nghiệm ấy tự khi nào.
Chính sự kết hợp giữa kỹ thuật số và kinh nghiệm nghề ảnh gia truyền cùng sự say mê sáng tạo khiến những bức ảnh của Hương Vượng đẹp từ nước ảnh đến bố cục, ý tưởng sáng tạo. Ảnh của ông luôn tràn ngập sức sống, mang màu sắc tươi tắn, đẹp sắc và thật sâu lắng. Một lần ngồi uống cà phê, bắt gặp giò phong lan nữ hoàng nở, tôi chụp theo thói quen rồi trong đầu chợt nghĩ đến những cô gái múa ba lê… và tác phẩm “Vũ nữ” từ những cánh hoa lan nữ hoàng ra đời...
Và năm 2010, mở mang với những tên mới |
Nhìn khuôn mặt hóm hỉnh, tác phong nhanh nhạy, dứt khoát của ông, tôi cảm thấy tình yêu với những sáng tạo của người nghệ sĩ này đến thật tự nhiên, thật gần gũi như chính con người ông vậy. Có lẽ vì thế mà mỗi tác phẩm ảnh của Hương Vượng là những câu chuyện gần gũi lắm với cuộc sống, con người, tình cảm của đất và người Tây Nguyên.
Thế nhưng mãi đến năm 40 tuổi (2002), Hương Vượng mới bước chân vào thế giới ảnh nghệ thuật. Gần 10 năm gắn bó, sáng tạo trong lĩnh vực ảnh mới, nhưng xem ảnh của ông, người xem luôn nhận thấy sự chín của tuổi nghề và sự thăng hoa cùng trí tưởng tượng bay bổng trong tâm hồn người nghệ sĩ từng trải.
Nhận được tin bức “vũ điệu Ba Lê” được giải Bạc FIAP tại Croatia năm 2010, tôi có hỏi về mong muốn với ảnh nghệ thuật của anh thì được tâm sự rằng “Mong sẽ có tổ chức được một cuộc triển lãm các tác phẩm của mình, nhưng cần phải có thêm thời gian để rèn rũa, sáng tạo cho mình dầy dặn hơn nữa”. Hy vọng một ngày không xa, Hương Vượng sẽ có triển lãm ảnh của riêng mình tại Hà Nội - như một cuộc trở về với quê hương của tiệm ảnh Hương Ký trên đất Buôn Ma Thuột.
Dưới đây, HNMO xin được giới chiệu một vài tác phẩm đã đoạt các giải thưởng trong và ngoài nước của nghệ sĩ Hương Vượng:
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.