(HNM) - Đến nay, thành phố Hà Nội đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Lợi ích từ các mô hình sản xuất này đã được khẳng định cả về việc nâng cao chất lượng nông sản cũng như hiệu quả kinh tế.
Cùng với dồn điền, đổi thửa, những năm qua, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành Nông nghiệp Thủ đô xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; giúp nông dân tích tụ ruộng đất, thực hiện sản xuất chuyên canh dễ dàng hơn. Trong đó, hầu hết các địa phương đều tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương.
Những thuận lợi kể trên đã mang đến “trái ngọt”, khi đến nay, Hà Nội đã chuyển đổi được hơn 40.227ha đất lúa sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả cao. Nhìn rộng ra, cái được lớn nhất là đã từng bước hình thành tư duy sản xuất chuyên nghiệp cho nông dân. Đó là sản xuất tập trung, quy mô lớn; xây dựng thương hiệu nông sản và hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Tuy vậy, quá trình xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn ở Hà Nội cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc nội tại, cần có lời giải hiệu quả. Những vấn đề lớn đã, đang đặt ra là: Sản xuất nông nghiệp vẫn ở dạng quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết; cơ sở hạ tầng (điện, đường giao thông, thủy lợi…) phục vụ sản xuất chưa được quan tâm đúng mức; việc xây dựng thương hiệu cho nông sản, xúc tiến thương mại vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”...
Trong định hướng phát triển, ngành Nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đây là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh nhu cầu về các mặt hàng nông sản chất lượng cao ngày càng lớn, đặc biệt là ở thị trường Hà Nội và xuất khẩu.
Thực hiện mục tiêu này, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá để bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từ đó đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ngoài ra, thông qua quy hoạch, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương phải định hướng cho nông dân sản xuất theo vùng tập trung, trên cơ sở lợi thế địa phương về thổ nhưỡng, khí hậu, sản phẩm đặc hữu…
Cũng liên quan đến vấn đề này, ở góc độ người nông dân, cần sản xuất theo định hướng quy hoạch và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; kiên quyết không làm ăn chộp giật, thiếu tính liên kết. Quá trình thực hiện phải nhận thức được sản xuất theo quy hoạch vùng là tiền đề cho phát triển nông nghiệp bền vững. Việc phá vỡ quy hoạch sẽ dẫn đến những hệ lụy mất cân đối cung - cầu, xảy ra tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Một giải pháp nữa giúp cho sản xuất nông sản quy mô lớn, tập trung đạt hiệu quả kinh tế về lâu dài là cần chú trọng khâu tiêu thụ sản phẩm. Do đó, các ngành chức năng, địa phương cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng. Song song là quan tâm xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận nông sản sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, minh bạch từ các vùng sản xuất.
Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung là hướng đi đúng và tất yếu cho ngành Nông nghiệp Thủ đô phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.