(HNM) - Với những kết quả của kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, kỳ tuyển sinh đại học năm 2023 được kỳ vọng có nhiều chuyển biến về chất lượng “đầu vào” và có một số điều chỉnh thuận lợi hơn cho thí sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang tích cực rà soát, chỉ đạo các cơ sở đào tạo triển khai các giải pháp hoàn thiện phương án cũng như quy trình tổ chức tuyển sinh bảo đảm gọn nhẹ, thuận tiện và giảm vất vả cho thí sinh.
Nhiều tồn tại cần khắc phục
Thời điểm này, các cơ sở đào tạo trên cả nước đã hoàn thành việc tổ chức đón sinh viên năm thứ nhất nhập học và đang dần ổn định việc dạy - học. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số gần 565.000 thí sinh trúng tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, có hơn 463.000 em nhập học, bằng 90% của năm 2021 và vượt nhiều so với năm 2020. Cụ thể, 149/224 trường đại học có tỷ lệ thí sinh nhập học đạt trên 80%, chiếm 76,6% số trường. Đây cũng là kỳ tuyển sinh có sự đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, công tác tuyển sinh đại học năm 2022 đã được triển khai an toàn, minh bạch, đúng quy chế. Một trong những thuận lợi cơ bản, cũng là điểm mới đáng chú ý của năm nay là thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (các năm trước thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cùng thời điểm với việc đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Song, kỳ tuyển sinh năm nay vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần khắc phục, như: Một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển; gần 100.000 thí sinh trúng tuyển, nhưng không nhập học; một số trường, ngành còn gặp khó khăn trong tuyển sinh... Việc thí sinh phải đăng ký xét tuyển và đăng ký nhập học trên cả hệ thống chung và tại cơ sở đào tạo cũng là một bất cập cần được tháo gỡ. Trong các tồn tại nêu trên, việc một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển là vấn đề nổi cộm, khiến không ít thí sinh nhầm lẫn, chọn nhầm phương thức.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, kỳ tuyển sinh đại học năm 2022 có hơn 20 phương thức xét tuyển đại học, trong đó có 2 phương thức cơ bản là xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ (chiếm hơn 88%), các phương thức còn lại chiếm tỷ lệ nhỏ.
Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số trường tổ chức xét tuyển sớm bằng học bạ và dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ quá nhiều; có trường không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học bằng phương thức xét học bạ, tuyển vượt chỉ tiêu, nên phải giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông...
Hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy thông tin, dự kiến công tác tuyển sinh năm 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nâng cấp hệ thống tuyển sinh chung, tăng cường các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho thí sinh, giảm tối đa các sai sót, nhầm lẫn trong quá trình nhập dữ liệu. Bộ cũng đang chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức không phù hợp, gây khó khăn hoặc khiến thí sinh dễ nhầm lẫn. Theo phương án dự kiến, tất cả các phương thức xét tuyển sẽ được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Khi được hỏi về phương án này, em Đỗ Phương Ngọc, học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: "Theo chia sẻ của các anh chị khóa trước, việc xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ vào nhiều trường ngay từ khi hết học kỳ I, với khá nhiều thủ tục... Em mong tất cả các phương thức xét tuyển được triển khai cùng một đợt để tránh nhầm lẫn, chúng em cũng có thêm thời gian ôn luyện, cập nhật, tìm hiểu kỹ hơn các quy định về thi, tuyển sinh".
Còn GS, TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đề xuất, các trường phổ thông tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ, giúp thí sinh hiểu đầy đủ, đúng các quy định liên quan, nhất là các yêu cầu về công nghệ, tránh các sai sót đáng tiếc. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra và giám sát để bảo đảm tính nghiêm túc trong việc tổ chức kỳ thi ở các địa phương; đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng cần bảo đảm độ phân hóa tốt hơn, nhằm hỗ trợ cho công tác xét tuyển đại học...
Liên quan đến công tác tuyển sinh đại học năm 2023, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học sớm hoàn thiện, công bố các phương thức tuyển sinh; lưu ý xem xét, điều chỉnh các phương thức tuyển sinh ít hiệu quả, tạo thuận lợi hơn cho thí sinh. Các trường cần sớm nghiên cứu, có định hướng và thông tin sớm về phương án tuyển sinh cho năm 2025 trở đi - khi thí sinh đang học lớp 10 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.