Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến “thành phố xanh”

Bình Minh| 10/02/2010 07:00

(HNM) - Xuân này, người dân TP Hồ Chí Minh hài lòng chứng kiến diện mạo xanh tươi đang chuyển mình từng ngày trên các góc phố, tuyến đường trung tâm. Những vỉa hè xám xịt nay đã là những tiểu công viên nho nhỏ.

Văn minh đô thị.


Từ Xingapo đến TP Hồ Chí Minh
Tiếp tục cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, năm 2010 tập trung vào trọng tâm "Mỹ quan đô thị" giải quyết triệt để, tiến tới chấm dứt 6 hành vi thiếu văn hóa trên đường phố. Đó là, bán hàng rong trước cổng trường học; phát tờ rơi, âm thanh quảng cáo quá lớn; xả rác thải, nước thải; nói tục, chửi thề, phóng uế bừa bãi; chạy xe trên vỉa hè, dừng xe không đúng vạch quy định; rải vàng mã trên đường phố. Bài học quốc đảo Xingapo nhỏ bé thu hút khách du lịch bởi mô hình "thành phố trong vườn" với hệ thống cây xanh công cộng 3 tầng khá gần gũi. Trông người lại ngẫm đến ta, mục tiêu "thành phố xanh" cũng đang trở thành hiện thực khi chính quyền và người dân TP Hồ Chí Minh cùng chung tay xây dựng.

Nhìn lại những năm gần đây thì hệ thống cây xanh được chăm chút hơn, chú trọng sửa tán, tạo hình, khống chế chiều cao hợp lý, cân đối, hài hòa với các công trình kiến trúc. Nhiều loại cây xấu, già cỗi được thay thế dần và tiếp tục trồng thêm cây xanh trên các tuyến đường. Một số nơi có vỉa hè hẹp được thử nghiệm trồng cây tạo hình, dây leo theo trụ, đặt chậu cây đã tăng cường màu xanh trên đường phố, tạo cảnh quan đẹp và hấp dẫn. Mục tiêu trong thời gian tới sẽ là phát triển mảng xanh trên vỉa hè, bờ tường khu công sở để vừa tăng diện tích xanh, làm đẹp cảnh quan đường phố vừa không để khoảng trống dán các loại quảng cáo rao vặt trái phép. Trên khu vực cầu Thị Nghè, Quang Trung một số cầu vượt bộ hành… được phủ xanh bằng các loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc như hoa giấy, dương xỉ, cau… Người dân cũng được khuyến khích tận dụng trồng cây trên diện tích đất trống tạm thời; những công sở, doanh nghiệp, nhà dân ở mặt tiền đường, nhất là tại khu vực trung tâm TP phải có trách nhiệm tham gia trồng cây xanh góp phần làm đẹp đường phố.

Nỗ lực vận động

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhận xét: "Văn minh đô thị" cần được thấm sâu vào từng người dân, hình thành ý thức "sống sao cho đẹp"… Sau giai đoạn tuyên truyền, phải tiến hành chế tài kiên quyết không nhân nhượng (phạt tiền, tịch thu phương tiện hành nghề, học luật, lao động công ích) với những hành vi "xấu", người dân sẽ đồng tình ủng hộ "cái đẹp". Trong 6 hành vi "không văn hóa", nhiều người e ngại khó bài trừ triệt để chuyện "rải vàng mã" nhất vì va chạm với tập tục tín ngưỡng lâu đời. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu khảo sát vừa qua đã nghiêng về phía ủng hộ "xóa", trong đó tỷ lệ tán thành của giới chức sắc tôn giáo lên đến hơn 80%. Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nguyên - Viện Nghiên cứu phát triển TP thì đề nghị rút kinh nghiệm, xem lại việc khen thưởng trong cuộc vận động "văn minh đô thị". Điểm qua danh sách 71 cá nhân được UBND TP trao tặng bằng khen tại hội nghị tổng kết "Năm 2009 - Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị" có thể thấy phần lớn là cán bộ, chức sắc các đơn vị, ban, ngành, chỉ có 2 tổ trưởng dân phố và 8 công dân - thành phần quan trọng nhất quyết định kết quả cuộc vận động!? Nên chăng khen thưởng nhiều hơn đại diện trong khối dân cư để động viên tinh thần.

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Phương Thảo đánh giá cuộc vận động "Văn minh đô thị" đã làm chuyển biến nhận thức của nhiều người dân nhưng chưa đạt chiều sâu, vững chắc và lan tỏa diện rộng để tạo nên ý thức tự giác trong dân cư đô thị. Do đó, chính quyền địa phương cần có nhiều biện pháp đồng bộ hơn để cải thiện môi trường sống của thành phố và chuyển hóa nhận thức của cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến “thành phố xanh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.