(HNM) - Thanh niên đang chịu áp lực lớn về thất nghiệp. Số người thất nghiệp trong độ tuổi thanh niên thường chiếm hơn 50% tổng số người thất nghiệp. Từ năm 2000, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp là 4,8% nhưng đã tăng lên 6% vào năm 2007 và còn có xu hướng tăng. Điều này đặt ra nhiệm vụ tối cần thiết trong những năm trước mắt: Tạo việc làm có chất lượng cho thanh niên.
Thất nghiệp cao
Báo cáo của Viện Khoa học lao động và xã hội (ILSSA - Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy: Lực lượng lao động (LĐ) Việt Nam còn khá trẻ. Và việc trẻ hóa lực lượng LĐ là ưu tiên quan trọng của quốc gia. Cụ thể, 7 năm gần đây, số thanh niên độ tuổi 15-24 trong lực lượng LĐ đã tăng lên 15% (từ 8,6 triệu năm 2000 lên 9,9 triệu năm 2007). Tuy nhiên khi so sánh với mức tăng trưởng dân số thanh niên là 18,1% (từ 15,2 triệu lên 18 triệu) thì tỷ lệ thanh niên tham gia lực lượng LĐ đã suy giảm từ 56,2% xuống còn 54,8%. Điều này được lý giải là do sự gia tăng tỷ lệ tham gia vào bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông trong thanh niên.
Tổ chức các phiên giao dịch việc là cơ hội để thanh niên tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp. Ảnh: Bá Hoạt |
Kết quả khảo sát của ILSSA cũng cho thấy một thực trạng đáng buồn là: Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đang tăng cao, năm 2007 có tới 52,5% số người thất nghiệp là thanh niên. Nếu tính trong tổng tỷ lệ thất nghiệp chung, thất nghiệp trong thanh niên đã tăng từ 4,8% năm 2000 lên 6% năm 2007. Theo tính toán của ILSSA, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên so với tỷ lệ thất nghiệp của những người lớn tuổi đã tăng từ 3,1 tới 4 lần. Điều này cũng cho thấy số lượng thanh niên có khả năng bị thất nghiệp cao gấp 4 lần so với LĐ lớn tuổi. Thêm vào đó, thất nghiệp trong nữ thanh niên tăng nhanh hơn so với nam thanh niên.
6 tháng đầu năm 2010, số người mất việc làm đã chiếm gần 30% tổng số LĐ mất việc của thời kỳ nói trên. Theo Bộ LĐ-TB&XH, đã có 87.000 người đăng ký thất nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay; 50.057 người trong số đó được công nhận thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp. Có 12.275 người tuổi dưới 24 và 31.366 người tuổi từ 25 - 40 trong số những người được hưởng trợ cấp thất nghiệp nói trên. Bộ LĐ-TB&XH cũng dự báo thời gian tới số người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng rất nhanh. Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho biết, những nơi thị trường lao động phát triển, thậm chí đang thiếu lao động, lại là nơi có số người thất nghiệp nhiều nhất. Ví dụ như TP Hồ Chí Minh có gần 16.000 người được công nhận là thất nghiệp, Bình Dương có 10.513 người, Đồng Nai 3.786 người, Long An là 2.273 người… Điều này đã ghi nhận thực tế, thanh niên đang có xu hướng tìm những việc làm ổn định, có thu nhập tốt. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn giữ mức lương quá thấp, chưa bảo đảm cuộc sống cho người lao động.
Chọn nghề nào phù hợp?
Theo TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội, ở nước ta, nhiều người tuy không thất nghiệp nhưng thời gian làm việc ít. Cụ thể, số người thiếu việc làm hiện đang chiếm khoảng 5% lực lượng lao động. Có tới gần 90% lao động nông thôn đang thiếu việc làm. Điều này tương tự cảnh báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là đang có một "thế hệ thanh niên bên lề sự phát triển" - những thanh niên nông thôn ở các nước đang phát triển không có cơ hội tiếp cận với các cơ hội việc làm do không được đào tạo.
Dự báo trong 5 năm tới, tạo việc làm có chất lượng cho thanh niên là nhiệm vụ tối cần thiết. Ước tính năm 2015 sẽ có 8,9 triệu thanh niên tham gia hoạt động kinh tế và cần có những hỗ trợ đặc biệt cho quá trình chuyển đổi từ ghế nhà trường sang môi trường làm việc. Việc này đòi hỏi phải tăng cường khả năng tiếp cận của thanh niên với hệ thống hướng nghiệp, thông tin thị trường LĐ đầy đủ, hệ thống các cơ sở dạy nghề và chuyên môn nghiệp vụ theo định hướng thị trường.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Phú, chuyên gia của ILO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh: "VN cần tăng cường hạ tầng cơ sở và mạng lưới hệ thống dạy nghề và cải thiện khả năng tiếp cận, nhất là cho thanh niên nông thôn. Do các mô hình di cư từ nông thôn ra thành thị vẫn tiếp diễn, điều cốt yếu là phải hỗ trợ thanh niên nông thôn tiếp cận đào tạo nghề ở cả nguồn đi và nguồn đến".
Nhìn từ góc độ đào tạo, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, cần nắm bắt nhu cầu thị trường để chọn nghề và đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội. Ông đưa ra ví dụ một số nghề "hot" hiện nay như: hàn công nghệ cao, cơ điện tử, lập trình viên… các khu công nghiệp, khu chế xuất đều đang có nhu cầu rất lớn. Mức lương trung bình của học viên sau khi tốt nghiệp nghề hàn công nghệ cao là 10 triệu đồng/tháng. Và một điều đáng quan tâm, tại hội nghị đánh giá công tác tổ chức thi tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa 1, đại diện Tổng cục Dạy nghề cho biết, với hệ cao đẳng nghề, ngay sau khi tổ chức xong kỳ thi tốt nghiệp, công bố kết quả và tổ chức bế giảng, có khoảng 750 doanh nghiệp đã tham dự, ký hợp đồng tuyển dụng ngay với sinh viên tốt nghiệp. Một số nghề, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay khá cao, như điện công nghiệp, hàn, công nghệ ôtô, cắt gọt kim loại, quản trị mạng máy tính, điện tử công nghiệp, kế toán doanh nghiệp.
Như vậy, rõ ràng, thanh niên đang có xu hướng học nghề để có cơ hội thu nhập cao. Đây là nhu cầu bức thiết của thanh niên nói riêng và người lao động nói chung. Nếu các doanh nghiệp không có chiến lược nhân sự hợp lý, tình trạng nhân lực thiếu vẫn thiếu, thừa vẫn thừa có thể vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhất là những nơi đô thị, nơi tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.