Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến lợi ích chung

Nguyễn Đức| 06/02/2012 06:56

(HNM) - Từ ngày 1-2, thành phố chính thức điều chỉnh giờ học, làm việc để góp phần giảm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Trong một thời gian ngắn chưa đủ để đánh giá hiệu quả của giải pháp này, nhưng không thể phủ nhận những tín hiệu tích cực bước đầu.


Thẳng thắn nhìn nhận, đây chỉ là giải pháp tình thế và không thể tránh được ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống. Tuy nhiên, vì lợi ích chung của xã hội, rất cần sự ủng hộ, thậm chí là sự hy sinh lợi ích riêng của mỗi công dân và từng nhóm đối tượng trong xã hội.

Điều chỉnh giờ học, giờ làm việc rất cần sự ủng hộ, chia sẻ và thích ứng của mỗi người dân. Ảnh: Thanh Hải


Ùn tắc giao thông ở Hà Nội nhiều năm qua là vấn đề dân sinh bức xúc. Hàng loạt giải pháp đã được thực hiện, nhiều tuyến đường được xây mới, cải tạo, mở rộng, nhưng vẫn không đáp ứng kịp tốc độ gia tăng dân số, phương tiện. Ngày 31-7-2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nêu rõ nhiều giải pháp dài hạn, ngắn hạn, trong đó có yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh giờ học, giờ làm việc hợp lý để giảm bớt lưu lượng người và phương tiện giao thông vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, đến năm 2011, khi áp lực ùn tắc giao thông ngày càng lớn, giải pháp này mới được các cơ quan chức năng quyết định thực hiện và thời điểm TP Hà Nội bắt đầu triển khai từ ngày 1-2-2012.

Với hạ tầng hiện tại, việc giải quyết bài toán ùn tắc giao thông không hề đơn giản, trong khi áp lực xã hội, dư luận ngày càng lớn. Đã đến lúc không thể ngồi chờ những giải pháp đầu tư dài hạn mà cần ngay những giải pháp trước mắt mang tính tình thế và đổi giờ là một trong những giải pháp có thể thực hiện ngay. Cuối tháng 10-2011, khi Bộ GTVT đưa ra đề xuất đầu tiên về đổi giờ học, giờ làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã yêu cầu cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng, gây xáo trộn lớn tới đời sống nhân dân. Đây cũng là yêu cầu của Chính phủ khi xây dựng phương án đổi giờ. Sở GTVT, rồi UBND TP Hà Nội đã chủ trì nhiều cuộc họp lấy ý kiến các bộ, sở, ngành liên quan, từ đó đề xuất phương án tối ưu, xin ý kiến Thường trực UBND thành phố, Thường trực Thành ủy, có tờ trình Chính phủ, HĐND thành phố thông qua mới đi đến quyết định cuối cùng.

Qua đó cho thấy, phương án điều chỉnh giờ đã được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa vào thực hiện. Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT) cho rằng, phương án của UBND thành phố Hà Nội đưa ra có tính khả thi cao, dễ thực hiện. Tất nhiên, mỗi một giải pháp không thể không có những "tác dụng phụ". Qua phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhìn chung, người dân ủng hộ chủ trương đổi giờ làm việc. Trên thực tế, dù chưa có kết luận chính xác cuối cùng, nhưng trong những ngày đầu tiên thực hiện, giải pháp này đã có tác dụng tích cực. Theo Sở GTVT, tại nhiều tuyến, nút giao trọng điểm, tình trạng ùn tắc đã được cải thiện. Hệ thống xe buýt thành phố đi, về đúng giờ hơn, hiện tượng xe buýt "nhồi khách" cũng giảm trong giờ cao điểm.


Ngã tư Tây Sơn - Thái Hà, nơi thường xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, nay đã tương đối thông thoáng (chụp lúc 7h45’ ngày 3-2-2012).   Ảnh: Bá Hoạt

Như đã phân tích, một giải pháp mang tính tình thế không thể tránh khỏi những "tác dụng phụ". Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, điều chỉnh giờ không phải là đề xuất mới, nhưng đến lúc phải thực hiện để giảm ùn tắc giao thông. Trên thực tế, việc đổi giờ học, giờ làm việc đã ảnh hưởng nhất định đến một số đối tượng, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, học sinh THPT và sinh viên, là điều không thể tránh và đã được dự liệu. Trước khi thực hiện đổi giờ học, làm việc, Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp với đại diện ngành giáo dục, các trường đại học, cao đẳng… trên địa bàn thành phố để quán triệt, đồng thời tăng số chuyến xe buýt, tăng giờ phục vụ lúc cao điểm, nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại. Dù còn một số băn khoăn, nhưng khi đó đại diện ngành giáo dục, các trường học đều khẳng định sẽ tìm phương án thực hiện chủ trương điều chỉnh giờ học, làm việc. Tại các cuộc họp lấy ý kiến xây dựng phương án đổi giờ học, làm việc, các bộ, ngành cũng tỏ ra đồng thuận với đề xuất của thành phố.

Việc thay đổi thói quen là điều không dễ. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền và lực lượng chức năng, rất cần sự ủng hộ, chia sẻ của từng cá nhân, từng nhóm đối tượng trong xã hội. Chỉ có như vậy các giải pháp đưa ra mới có thể hướng đến những mục tiêu lớn vì lợi ích chung của cộng đồng.

Với tinh thần cầu thị trong suốt thời gian xây dựng và thực hiện phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm việc, chắc chắn các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục lắng nghe và phân tích những bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện để từ đó có cơ sở đưa ra giải pháp tối ưu nhất, vừa có thể đạt được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, vừa tránh xáo trộn, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và xã hội.

Đã có những chuyển biến tích cực
Một tuần là khoảng thời gian quá ngắn để đánh giá chính xác hiệu quả của một chủ trương lớn, có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu thực hiện việc điều chỉnh giờ học tập, làm việc, kinh doanh đối với một số nhóm đối tượng ở 10 quận và 2 huyện tại Hà Nội, không ít bạn đọc đã gửi thư, điện thoại đến Báo Hànộimới bày tỏ ý kiến.

Chị Nguyễn Thanh Hà (số 27, phố Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng): Giảm “sức nóng” cho một số tuyến đường

Tôi thấy phương án đổi giờ học, giờ làm việc có nhiều nét mới. Cụ thể, việc phân thời gian cho từng ngành, đơn vị, các nhóm đối tượng trong xã hội bước đầu đã giảm được "sức nóng" cho một số tuyến đường vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều tối. Ví dụ như tuyến phố Lê Quý Đôn, trước đây vào 7-8h sáng và 17-18h chiều thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, người đi bộ muốn sang đường có khi phải chờ hàng chục phút. Nhưng từ khi thay đổi giờ học, giờ làm, tình trạng ùn tắc cục bộ trong giờ cao điểm không còn xảy ra. Tuy nhiên, thời gian bố trí lịch học cho học sinh THPT còn chưa hợp lý. Con gái tôi đang học lớp 10 Trường THPT Hai Bà Trưng, quãng đường từ nhà đến trường khoảng 6km. Kể từ khi thay đổi lịch học, 14h15 cháu mới đến trường và tan học vào lúc 19h. Về đến nhà, sau khi ăn cơm và vệ sinh cá nhân, 21h cháu mới có thời gian ngồi vào bàn học. Để hoàn thành hết bài tập được giao, cháu thường phải rời bàn học sau 24h.

Chị Phạm Kiều Oanh (ngõ 158, phố Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, (quận Long Biên): Giảm gánh nặng đưa đón con

Tôi có hai con nhỏ, cháu lớn học lớp 7 tại Trường THCS Trưng Vương, cháu nhỏ là học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tràng An. Trước đây, giờ tan học của hai cháu chênh nhau khá nhiều; cháu nhỏ rời trường lúc 16h45, cháu lớn 17h20 mới tan học. Ngày nào cũng vậy, đón cháu nhỏ xong, tôi phải đi lòng vòng hoặc đứng hàng chục phút trước cổng trường để chờ đón cháu lớn, rất bất tiện. Vì đón con đúng vào giờ cao điểm, nên tôi thường xuyên bị tắc đường, ba mẹ con về đến nhà đã hơn 18h, việc nấu nướng, ăn uống của cả nhà cũng vì thế mà muộn theo. Nhưng từ ngày 1-2-2012, giờ học của cháu nhỏ vẫn giữ nguyên, chỉ có giờ tan trường của cháu lớn sớm hơn, trước đây là 17h20 nay là 17h00. Nhờ thế mà tôi chấm dứt được cảnh chầu chực đón con, việc cơm nước của gia đình cũng đỡ cập rập. Tôi được biết ở các nước phát triển, việc phân cấp giờ học tập, làm việc để giảm ùn tắc đã được thực hiện từ lâu.

Chị Lê Hồng Hạnh (tổ 29, phường Đức Giang, quận Long Biên): Cần phù hợp với điều kiện từng khu vực

Theo tôi, thay đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh nhằm mục đích giảm ùn tắc giao thông là việc làm cần thiết và đúng đắn, nhưng phải có cách thức thực hiện phù hợp. Lẽ ra, trên địa bàn Hà Nội chỉ cần áp dụng thí điểm ở một số quận trung tâm, nơi có nhiều "điểm đen" về ùn tắc giao thông, sau đó rút kinh nghiệm, rồi triển khai trên diện rộng. Ở quận Long Biên, ngoài khu vực cầu Chương Dương thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông thì trên địa bàn hầu như không có các "điểm đen", kể cả trong giờ cao điểm. Thế nhưng, lịch học tập của học sinh vẫn bị sắp xếp lại. Cháu nhà tôi học lớp 4, theo lịch học mới, ngày nào cũng đúng 17h30 mới tan học. Vô lý nhất là có những buổi chiều cháu chỉ học 3 tiết, đến 16h20 đã kết thúc môn học, nhưng cả cô lẫn trò vẫn phải ngồi lại trong lớp, chờ đến 17h30 mới được về.

Cô giáo Trần Thị Liên (Trường Mầm non Họa My, quận Ba Đình): Trẻ lùi giờ học, cô kéo dài giờ làm


Theo Quyết định 315/QĐ-UBND ngày 12-1-2012 của UBND thành phố Hà Nội và công văn số 2958/SGD&ĐT-HSSV ngày 18-1-2012 của Sở GD-ĐT Hà Nội, thì khối trường mầm non bắt đầu giờ học từ 8h (muộn hơn trước đây 30 phút) kết thúc vào 17h. Tuy nhiên, theo hướng dẫn, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30 hằng ngày. Như vậy, dù trẻ mầm non đến trường muộn hơn trước, nhưng giáo viên vẫn phải đến sớm và về muộn hơn 30 phút. Để xây dựng khung giờ hợp lý giúp giáo viên có thời gian tái tạo sức lao động, nên chăng quy định giờ cuối cùng trông trẻ ở trường mầm non là 17h.

Thùy Ngân - Bảo Nga (ghi)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến lợi ích chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.