(HNM) - Trung bình, bộ thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã có khoảng 150 thủ tục và cấp huyện có trên 200 thủ tục. Mỗi bộ hồ sơ mà tổ chức, công dân mang đến giao dịch, cán bộ thụ lý sẽ lưu một bộ với thành phần hồ sơ được tuân thủ theo nội dung của TTHC đã được quy định và công bố công khai.
Như vậy, cán bộ "một cửa" cấp xã, cấp huyện phải hiểu tường tận về vài trăm loại thủ tục và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhiều sở, ngành. Trong khi đó, mỗi ngành lại có sự quản lý với đặc thù riêng nên nhiều khi, chỉ căn cứ vào những thành phần hồ sơ đã được quy định đối với từng loại TTHC thì chưa đáp ứng được hết các yêu cầu của tất cả các cơ quan cấp trên. Điều này đang gây lúng túng cho cán bộ cơ sở.
Mới đây, Đoàn công tác của Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) kiểm tra công tác kiểm soát TTHC tại 5 TP trực thuộc trung ương đã phát hiện, nhiều đơn vị lưu thừa văn bản theo quy định. Tại Hà Nội, tình trạng hồ sơ còn có nhiều giấy tờ mà pháp luật không quy định phải nộp vẫn còn ở nhiều đơn vị (xã Đông Ngạc và thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm; các sở: Tư pháp, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, thương binh và xã hội...). Cụ thể, phường Phương Liên (quận Đống Đa) yêu cầu nộp thêm sơ yếu lý lịch khi thực hiện TTHC đăng ký lại việc sinh; huyện Từ Liêm yêu cầu thêm thành phần giấy tờ chứng minh trụ sở đối với TTHC đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể; Sở Lao động, thương binh và xã hội yêu cầu thêm quyết định thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế của doanh nghiệp trong thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam… Nhìn ở góc độ tuân thủ thủ tục hành chính thì đúng là nhiều đơn vị đã yêu cầu thêm thành phần hồ sơ trái quy định. Song, phản hồi từ một số đơn vị cho thấy, không phải ngẫu nhiên họ muốn "vẽ" thêm thủ tục. Chẳng hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu có thêm văn bản xác nhận quy mô và sự phù hợp quy hoạch mạng lưới trường học là thực hiện theo một công văn được ban hành tháng 8-2010 của Sở Giáo dục và Đào tạo. Hay trong một số thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp, trong quy định về TTHC không phải lúc nào cũng buộc phải lưu bản sao công chứng hộ khẩu, chứng minh thư… nhưng do các đoàn kiểm tra của quận, huyện, sở đều yêu cầu phải lưu để đoàn đối chiếu. Đó cũng là lý do khiến cán bộ cấp cơ sở lúng túng không biết thực hiện thế nào cho phải, khi thực hiện đúng yêu cầu của đoàn kiểm tra này thì lại là mắc sai sót trong nội dung của đoàn kiểm tra khác và ngược lại. Bên cạnh đó, việc yêu cầu nộp thêm thành phần hồ sơ ngoài quy định đã được công bố trong bộ TTHC cũng làm người dân bức xúc, có cái nhìn không hay đối với cơ quan hành chính nhà nước.
Hiện mới chỉ có Nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư chứ chưa có một văn bản nào quy định cụ thể đối với thủ tục nào thì cán bộ thụ lý phải lưu những hồ sơ nào. Nên chăng, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các cấp, các ngành để có sự hướng dẫn thống nhất, vừa bảo đảm nguyên tắc pháp lý vừa tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân cũng như cán bộ khi thực hiện giao dịch TTHC.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.