(HNMO) - Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, Dự thảo mới đề cập tới việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm với các địa phương đang thực hiện HĐND, vì vậy cần bổ sung các quy định đối với những địa phương không tổ chức HĐND.
Theo Dự thảo Nghị quyết, QH sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ vào kỳ họp thứ nhất trong năm, bắt đầu từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ. HĐND các cấp thực hiện tại kỳ họp thường lệ đầu năm bắt đầu từ năm thứ 2 của mỗi nhiệm kỳ. Riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016, việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại QH, HĐND được tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013, nhưng không được trước ngày 1-2-2013.
Về mẫu phiếu thăm dò trong quá trình bỏ phiếu tín nhiệm, Dự thảo đưa ra 2 phương án. Một được thiết kế theo hướng sử dụng chung cho mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm. Trên phiếu ghi đầy đủ danh sách tất cả những người được lấy phiếu tín nhiệm theo từng nhóm chức vụ kèm theo các ô tương ứng với các mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Phương án 2 gồm các phiếu riêng cho từng chức vụ hay nhóm chức vụ tương ứng với thứ tự QH và HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trên từng phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của từng người hoặc những người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với 3 mức độ tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp.
Phiếu tín nhiệm được sử dụng riêng đối với từng người được đưa ra bỏ phiếu, ghi rõ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ tín nhiệm và không tín nhiệm.
Dự thảo cũng đề cập tới trình tự, thủ tục xin từ chức đối với những người có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp; trường hợp đạt phiếu tín nhiệm thấp...
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng thời gian từ nay đến thời điểm thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm, lấy phiếu tín nhiệm không còn nhiều, do vậy Dự thảo hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 35/2012/QH 13 cần sớm ban hành theo hướng chi tiết, rõ ràng, cụ thể càng sớm càng tốt. Đại diện Hội Luật gia Hà Nội đề nghị, việc đánh giá mức độ tín nhiệm chỉ nên dựa trên 3 căn cứ: xem xét báo cáo của người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm; các ý kiến, kiến nghị của cử tri và những nội dung đã giải trình của người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Thống nhất với ý kiến này, nhiều đại biểu tham dự cho rằng trong việc đánh giá mức độ tín nhiệm Dự thảo có đề cập tới nội dung xem xét dư luận của nhân dân được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin đã được kiểm chứng là không cần thiết bởi quy định này vừa mang tính định tính, vừa thiếu tính khả thi.
Về tên phiếu sử dụng trong quá trình bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến đề nghị nên bỏ chữ thăm dò mà ghi rõ: phiếu lấy tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Liên quan tới 2 phương án lấy phiếu tín nhiệm, đa số các ý kiến nghiêng về phương án 1 quy định một mẫu sử dụng chung, trên đó ghi đầy đủ danh sách tất cả những đối tượng sẽ được lấy phiếu. Tuy nhiên, Dự thảo nên bổ sung theo hướng chia theo nhóm như QH, Chính phủ hay UBND, HĐND...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng, Dự thảo mới đề cập tới việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm với các địa phương đang thực hiện HĐND, vì vậy cần bổ sung các quy định đối với những địa phương không tổ chức HĐND. Để tránh những vướng mắc trong quá trình thực hiện, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đề nghị hướng dẫn cần đưa ra các quy định, tiêu chí cụ thể nhằm tránh khuynh hướng hình thức, bảo đảm tính khách quan, nhất là trong công tác đánh giá mức độ tín nhiệm của cán bộ bị bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.