Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hương “bẩn”, độc hại tới đâu?

Nhóm phóng viên| 03/03/2016 06:47

(HNM) - Những ngày gần đây, thông tin về hương

Nhiều công nhân làm hương vòng không đeo khẩu trang, găng tay.


Nhiều người thừa nhận, một số loại hương, trong quá trình sản xuất có ngâm, tẩm, phun hóa chất… Tuy nhiên, độc hại đến đâu, mức độ thế nào thì cả người sản xuất và người tiêu dùng đều không rõ…

Muốn cuộn tàn phải có hóa chất…

Phóng viên Báo Hànộimới đã về thôn Cầu Bầu (xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa), nơi được xem là thủ phủ của nghề chẻ tăm hương. Người dân ở đây tỏ ra khá cảnh giác, thậm chí, một số người "đá bóng": Ở đây chỉ chẻ tăm thuê, còn cơ sở nhuộm, tẩm phải là nơi trực tiếp sản xuất hương ở huyện Phú Xuyên, Thường Tín. Ông Nguyễn Đình Tuyến, Trưởng thôn Cầu Bầu, cho biết: Phần lớn người dân ở xã Quảng Phú Cầu làm nghề chẻ tăm thô.

Còn việc nhuộm, tẩm tăm hương do một số xưởng lớn thực hiện. Với loại hương bình thường thì nhúng chân tăm hương vào nước pha phẩm đỏ và phẩm này không gây độc hại. Còn với hương đậu tàn sẽ thêm công đoạn nhúng hóa chất vào phần tăm se bột hương. Tuy nhiên tỷ lệ pha không nhiều, 1 lít hóa chất được pha với 20 lít nước lã. Không ai rõ nguồn gốc của hóa chất, chỉ biết thỉnh thoảng có ô tô chở về làng. Nếu muốn hương cuốn tàn mà không dùng hóa chất thì tăm hương phải sử dụng 100% bằng cật, chi phí sản xuất hương rất lớn.

Để tìm "quả bóng" mà một số người ở thôn Cầu Bầu "đá" về Phú Xuyên, chúng tôi đã tìm về thôn Văn Trai Thượng, xã Văn Hoàng (Phú Xuyên), là làng nghề làm hương nổi tiếng. Tiếp cận với một chủ xưởng sản xuất hương, được biết: "Nếu sử dụng hóa chất độc hại, người sản xuất hương bị ảnh hưởng trước tiên. Chúng tôi không mong muốn như vậy, nhưng khách hàng yêu cầu hương phải đậu tàn, khi đốt lên phải cuốn vòng, bát hương phải tốt lộc… Đáp ứng nhu cầu đó, người sản xuất buộc phải sử dụng hóa chất".

Tinh dầu thơm có độc hại?

Nghi vấn hương "bẩn" không chỉ có ở hương thẻ mà còn cả ở hương vòng. Thâm nhập một số cơ sở sản xuất hương vòng ở xã Lại Yên (Hoài Đức) thì thấy: Hương vòng ở đây thường có 2 loại là hương bắc và hương dầu. Hương bắc có nhiều mức độ thơm khác nhau và nguyên liệu chủ yếu là các vị thảo mộc, các vị thuốc trộn lẫn cùng với keo. Hương dầu là loại hương sau khi đã cuộn thành vòng, thợ sẽ phun vào một số loại dầu thơm.

Tinh dầu này có nguồn gốc ở đâu, được sử dụng như thế nào là bí quyết riêng, không ai tiết lộ. Tại một xưởng sản xuất hương ở Thôn 1, chúng tôi thấy công nhân làm việc ở đây không đeo khẩu trang, găng tay bảo hộ. Chủ cơ sở sản xuất hương (tên Th.) giới thiệu: "Gia đình tôi chuyên sản xuất hương dầu và hương bắc. Loại hương có tinh dầu thơm được các tỉnh miền Trung và miền Nam tiêu thụ nhiều hơn miền Bắc.

Loại tinh dầu phun vào hương được pha trộn từ nhiều loại khác nhau chứ không phải mua về đã có ngay". Tại khu trộn nguyên liệu của xưởng sản xuất, đập vào mắt chúng tôi là những thùng đen đặc, cáu bẩn. Một bao đựng hóa chất có tên Potassium Chlorate (chất gây cháy nổ, nằm trong danh mục hạn chế kinh doanh của Chính phủ) chình ình trước cửa. Khi chúng tôi bước vào bên trong thì chủ xưởng yêu cầu ra ngoài và từ chối trả lời những câu hỏi tiếp theo.

Tại một số đại lý bán hương ở phố Cầu Đông và Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), người bán hàng tư vấn rất rõ ràng: Có loại hương được làm từ thảo mộc, không hóa chất nhưng không đậu được tàn, giá nhỉnh hơn các loại khác. Loại hương cuốn tàn là loại tăm hương được ngâm qua hóa chất, càng cuốn cong thì càng nhiều hóa chất, có độc hại.

Qua phố Hàng Hòm, nơi chuyên bán các loại hóa chất, ông chủ cửa hàng hết sức dè dặt: Hiện cửa hàng chỉ có tinh dầu hương tràm, hương quế, các loại pha công nghiệp không có. Còn khi hỏi về hóa chất tạo hương cuộn tàn, ông chủ khẳng định: "Tôi không bán loại ấy. Mấy hôm nay báo đài nói ầm ầm, dại gì mà bán!". Thâm nhập vào nơi chứa hóa chất của cửa hàng này, chúng tôi thấy có rất nhiều can nhựa đựng chất lỏng và trên đó có mấy chữ quế, tràm… để phân biệt. Một câu hỏi đặt ra: Vậy liệu nguyên liệu làm hương là thảo mộc nguyên chất hay chỉ là mùn cưa trộn hóa chất?

Không tiêu chuẩn, biết thế nào?

Việc sử dụng hóa chất trong sản xuất hương là vậy, nhưng mức độ ảnh hưởng thế nào lại là câu chuyện khác. Bản thân những người tiếp xúc trực tiếp với hóa chất làm hương cũng băn khoăn. Ông Đỗ Ngọc Đằng, Chủ tịch UBND xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên cho biết: "Việc ngâm, tẩm hóa chất chủ yếu liên quan đến tăm hương để khi cháy hương cuộn tàn, còn nguyên liệu bột để làm hương chỉ là thảo mộc, thuốc bắc, không có hóa chất. Tuy nhiên, việc sử dụng hương tẩm hóa chất độc hại như thế nào, cả bà con làm hương và chúng tôi hoàn toàn không biết. Hàng chục năm làm nghề và sử dụng hương thường xuyên nhưng không thấy ai bị bệnh tật gì. Còn hương như thế nào là độc, bản thân chính quyền cũng không đủ chuyên môn để thẩm định".

Cùng nỗi băn khoăn, lo lắng về mức độ ảnh hưởng của hóa chất khi sản xuất hương, người dân ở Thôn 2, xã Lại Yên đặt câu hỏi: "Quê tôi, từ người già đến trẻ nhỏ đều làm hương, làm quanh năm suốt tháng nhưng chưa thấy ai bị bệnh. Chúng tôi rất mong các cấp kiểm tra thực tế, xem xét mức độ độc hại của hương để không ảnh hưởng đến uy tín làng nghề, vừa để dân biết cách bảo vệ sức khỏe". Không chỉ người dân, bản thân lãnh đạo xã Lại Yên, Hoài Đức cũng rất mù mờ về mức độ ảnh hưởng của hóa chất trong sản xuất hương.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Yên cho rằng: "Từ trước đến nay, chưa bao giờ cơ quan chức năng đưa ra tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất hương, còn người dân chỉ làm theo kinh nghiệm và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hương tẩm hóa chất độc hại hay không cần phải có quy chuẩn để soi chiếu. Theo tôi phải có một đơn vị chuyên trách thẩm định về việc này. Chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc giữ và phát triển nghề, nhưng không có chuyên môn thì khó có thể định hướng cho nhân dân".

Hầu hết nhà sản xuất đều trưng nhãn mác: "Hương chính hiệu - cuốn tàn, 100% nguyên chất thảo mộc thiên nhiên…". Nhưng đâu là lựa chọn an toàn? Ảnh hưởng của hương tẩm hóa chất tới con người đến đâu? Về vấn đề này, nhiều chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ sinh học và sức khỏe môi trường cho rằng: Việc dùng các loại hương bày bán trôi nổi, đặc biệt là các loại hương được quảng cáo lưu giữ mùi thơm càng lâu thì càng độc.

Đối với hương đậu tàn, khi sản xuất thường được tẩm Acid Photphoric (H3PO4), nếu tiếp xúc dễ gây ảnh hưởng đến mắt, đường hô hấp, thậm chí là ung thư phổi. Đối với các loại hương có chứa hóa chất khi cháy, sẽ sinh ra nhiều loại khí độc như: SO2, CO, NO2 và cá biệt có khí Formaldehyd cao hơn nhiều lần mức an toàn cho phép. Do đó, khi thắp hương cần có không gian thoáng, nên mở cửa phòng và tốt nhất là bài trừ những loại hương độc hại này.

Tuy nhiên, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có câu trả lời chính thức về những vấn đề nêu trên cho người dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hương “bẩn”, độc hại tới đâu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.