Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hừng đông ở xứ Mặt trời mọc

Vân Khanh| 31/08/2011 06:30

(HNM) - Không giống như cuộc bầu chọn Chủ tịch đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền diễn ra gay gắt và chỉ tìm được người chiến thắng sau vòng bỏ phiếu thứ hai, thủ tục công nhận tân thủ lĩnh DPJ Yoshihiko Noda là vị Thủ tướng thứ 95 của Nhật Bản vào ngày 30-8 đã không gặp bất kỳ trở ngại nào tại Hạ viện.

Xứ sở Hoa anh đào đã chính thức đón nhận nhà lãnh đạo thứ ba trong vòng hai năm qua với niềm hy vọng người cầm lái mới sẽ đưa nước Nhật vượt qua bão táp để tiến vào vùng trời ổn định dài lâu.

Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda.

Con đường dẫn tới dinh Thủ tướng của ông Y.Noda khá rộng mở khi vị Bộ trưởng Tài chính được chọn mặt gửi vàng ngay từ thời điểm cựu Thủ tướng Naoto Kan có ý định từ chức cách đây ít ngày. Dẫu không vượt qua các đối thủ cùng đảng ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên nhưng thắng lợi cuối cùng vẫn thuộc về ông Y.Noda, một lần nữa cho thấy thực trạng thiếu thống nhất trong nội bộ DPJ. Do đó, kết nối và hài hòa lợi ích của các bên trong nền chính trị phe phái, từng khiến các Chính phủ Nhật Bản liên tiếp phải ra đi, sẽ là ưu tiên hàng đầu để tân Thủ tướng của Nhật Bản có thể tại vị đến hết nhiệm kỳ vào tháng 9 năm sau.

Khá thành công trên cương vị người đứng đầu Bộ Tài chính với các chính sách phù hợp và không làm xấu thêm thực trạng kinh tế ì ạch do thảm họa kép khủng hoảng toàn cầu; đồng thời vấp phải động đất, sóng thần, ông Y.Noda là một lựa chọn rõ ràng cho quyết tâm vượt thoát thời điểm nghiêm trọng hiện nay của Nhật Bản. Nhiệm vụ cấp bách với Chính phủ mới ngay từ những ngày đầu là phải bằng mọi cách hạ mức nợ công đã lớn hơn 200% quy mô nền kinh tế 5.000 tỷ USD. Để nâng ngân sách, tân Thủ tướng Y.Noda ủng hộ việc tăng thuế gấp đôi mức 5% hiện có. Nhưng chưa có nhiều sự tin tưởng rằng chính sách rất dễ làm mếch lòng cử tri này có thể làm giảm tỉ lệ thâm hụt ngân sách kỷ lục của Nhật Bản. Những khoản chi tiêu công khổng lồ cho công cuộc tái thiết vùng Đông bắc sau thiên tai lịch sử và mức an sinh xã hội năm sau cao hơn năm trước 1.000 tỷ yên ở đất nước này hoàn toàn trái ngược với liều thuốc giảm chi đã được kê đơn.

Việc tìm kiếm điểm tựa cho nền kinh tế thứ hai châu Á càng khó khăn hơn khi chiếc đòn bẩy xuất khẩu đang bị tác động nặng nề của tình trạng đồng yên tăng giá. Sự thất bại sau các biện pháp can thiệp từ Tokyo nhằm ngăn cản đồng nội tệ đắt đỏ so với USD vẫn chưa gạt bỏ được nghi ngờ về khả năng của những giải pháp hỗ trợ kế tiếp với sự giúp đỡ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ giảm được sự căng thẳng bất lợi trên thị trường tiền tệ xứ Hoa anh đào. Đặc biệt, khi nhu cầu đầu tư vào đồng tiền của Nhật Bản như một tài sản an toàn trong điều kiện kinh tế thế giới trải qua nhiều bất trắc những ngày qua, rất có thể sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Thế nhưng, lĩnh vực sản xuất vốn được coi là một lợi thế của nước Nhật lại đang chờ đợi những dấu hiệu khả quan với lần thay tướng mới nhất. Trái với quan điểm không sử dụng năng lượng hạt nhân của cựu Thủ tướng N.Kan đã ít nhiều làm giảm năng lực sản xuất của các doanh nghiệp do thiếu điện năng, ý định sớm tái khởi động một số nhà máy điện hạt nhân và duy trì sự hiện diện của nguồn năng lượng chưa thể thay thế tại xứ Phù Tang của nhà lãnh đạo Y.Noda đã mang đến niềm tin rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ khởi sắc hơn nhờ sự hồi phục trong lĩnh vực sản xuất.

"Chúng ta đang ở trong tình trạng khẩn cấp", tuyên bố của ông Y.Noda cho thấy vị thủ lĩnh mới của Nhật Bản hoàn toàn ý thức được những thử thách đang phải đối diện. Trong đó, hàn gắn chia rẽ nội bộ, tái thiết đất nước, giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân và hồi sinh nền kinh tế sẽ có ý nghĩa quan trọng như nhau trong thời gian lãnh đạo không dài nhưng đầy trọng trách của vị tân Thủ tướng 54 tuổi. Nước Nhật vẫn đang bị mây đen che phủ nhưng cục diện vừa xoay chuyển trên chính trường đã nhóm lên niềm lạc quan rằng hừng đông đang lên ở xứ Mặt trời mọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hừng đông ở xứ Mặt trời mọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.