(HNM) - Mặc dù hiện nay, phong trào hiến máu được sinh viên các trường cao đẳng, đại học hưởng ứng rất rầm rộ, nhưng lượng máu thu được vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Trước thực trạng trên, nhóm sinh viên Nguyễn Minh Tuấn và Lê Thị Thủy (Khoa Điện tử y sinh K52, Trường ĐH Bách khoa HN) đã nghiên cứu, thiết kế hệ thống tự động làm sạch máu chảy ra trong quá trình phẫu thuật để tái sử dụng cho bệnh nhân (liên quan tới kỹ thuật truyền máu hoàn hồi). Đề tài đã qua 4 tháng nghiên cứu và kết quả bước đầu hứa hẹn sẽ giải quyết áp lực cho ngân hàng máu tại nhiều bệnh viện.
Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ, việc sử dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi trong các ca phẫu thuật tạng hở là rất cần thiết. Đây là kỹ thuật giúp gom máu của chính bệnh nhân chảy ra trong quá trình phẫu thuật, lọc bỏ các thành phần không tái sử dụng được rồi tách lấy hồng cầu khối để truyền lại cho bệnh nhân ngay trong hoặc sau ca phẫu thuật. Nhưng tại Việt Nam, máu trong quá trình phẫu thuật rất ít được tái sử dụng vì các bệnh viện thiếu thiết bị hỗ trợ (do thiết bị được nhập về rất đắt).
Khảo sát kỹ và phân tích hệ thống thiết bị của nước ngoài, nhóm nghiên cứu nhận thấy các thiết bị này đều sử dụng phương pháp quay ly tâm. Máu từ bệnh nhân được thu gom và phối trộn với chất chống đông rồi qua lọc sơ bộ để loại bỏ đi các mô đứt gãy, sau đó được bơm vào buồng ly tâm. Buồng ly tâm chứa hỗn hợp máu được quay ở tốc độ 5.600 vòng/phút, phần hồng cầu khối sẽ được phân bố ra một vùng riêng, các thành phần khác sẽ tự động bị đẩy ra ngoài. Quá trình ly tâm còn sử dụng thêm dung dịch muối đẳng trương để nâng cao độ sạch cho máu. Cuối cùng lượng máu sạch sẽ được hút ra và truyền trở lại cho bệnh nhân.
Nhờ sự phân tích chính xác, qua nhiều thử nghiệm khác nhau, nhóm đã hoàn thiện sơ đồ các khối chức năng của thiết bị truyền máu hoàn hồi và chế tạo được mô đun điều khiển động cơ buồng ly tâm. Hiện động cơ ly tâm dùng cho thiết bị đang đặt hàng ở nước ngoài. Kết quả thử nghiệm với loại động cơ công suất nhỏ có tốc độ lên tới hơn 10.000 vòng/phút. Thời gian phanh để động cơ dừng khi đang ở tốc độ tối đa là dưới 2 giây nên rất khả thi trong những trường hợp nguy cấp. Đề tài hứa hẹn nhiều triển vọng bởi đã giải quyết tốt các kỹ thuật khó.
Với đề tài khoa học giàu tính nhân văn và thực tiễn này, nhóm Tuấn - Thủy đã đoạt giải ba nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2011-2012. Nhóm dự định sẽ cùng các thầy giáo tiếp tục nghiên cứu để cho ra một thiết bị hoàn chỉnh, có thể ứng dụng tại một số bệnh viện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.