(HNMO)- Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất điều hành thêm 1% và 0,5% lãi suất trần huy động VND, từ 8% xuống 7,5%/năm với kỳ vọng thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng HSBC và ngân hàng ANZ Việt Nam đã bình luận về vấn đề này.
(HNMO)- Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất điều hành thêm 1% và 0,5% lãi suất trần huy động VND, từ 8% xuống 7,5%/năm với kỳ vọng thúc đẩy các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng HSBC và ngân hàng ANZ Việt Nam đã bình luận về vấn đề này.
Ảnh minh họa |
HSBC cho rằng, động thái giảm lãi suất trên phản ánh những nỗ lực của NHNN để hỗ trợ nền kinh tế dù rằng chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý hơn là thực tế. Lạm phát tháng 3 giảm đã tạo cơ hội cho NHNN bật tín hiệu cho các doanh nghiệp thấy rằng họ đang làm hết khả năng để kích cầu nội địa.
Trước đó, đối với vấn đề nợ xấu, Chính phủ đã tiết lộ sẽ thành lập công ty quản lý tài sản (AMC) vào cuối tháng 3 do NHNN quản lý. AMC có thể có số vốn ban đầu là 4,78 triệu USD để mua các khoản nợ xấu trong hệ thống (ước tính vào khoảng 11,2 tỷ USD dựa trên số liệu của NHNN về tỷ lệ nợ xấu 8,6%) từ các tổ chức tín dụng thông qua việc phát hành chứng khoán.
Theo HSBC, cả AMC và việc giảm lãi suất sẽ chỉ mang lại hiệu quả về mặt tâm lý nhưng không tác động đáng kể đến nhu cầu nội địa. Bởi vì, chi tiêu và đầu tư công giảm phản ánh ưu tiên của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô vốn đòi hỏi giảm chi tiêu vào những dự án đầu tư công lãng phí cũng như giảm hỗ trợ đối với các doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả. Chính phủ có thể duy trì chính sách này, có nghĩa là không bơm tín dụng giá rẻ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kém hiệu quả. Tiêu dùng tư, trong khi giảm do lãi suất cao, cũng sẽ tiếp tục giảm do các cá nhân và doanh nghiệp tìm cách trả bớt nợ. Lãi suất qua đêm tương đối thấp cũng như tăng trưởng nhập khẩu yếu phản ánh nhu cầu nội địa trì trệ.
Lạm phát tháng 3 giảm đáng kể là nhờ vào giá lương thực thực phẩm giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn còn tăng. Trong vòng 3 tháng tới, lạm phát toàn phần có thể sẽ tăng tới 7%. Nếu các áp lực cơ bản vẫn còn cao và nhu cầu nội địa đang có dấu hiệu hồi phục do điều kiện tín dụng sáng sủa hơn, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng trưởng tốt, doanh thu bán lẻ được cải thiện nhờ các biện pháp giảm giá và thu nhập tăng từ xuất khẩu thì áp lực lạm phát đang trên đà tăng.
Ngân hàng này cũng cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất cũng bao hàm rủi ro tiền đồng có thể tăng giá dù là khá nhẹ. Rủi ro này tới từ hai kênh: cán cân thương mại và dòng tiền gửi nội địa.
Cán cân thương mại đã được cải thiện trong năm vừa qua, góp phần cải thiện cán cân vãng lai và hỗ trợ tiền đồng. Tăng trưởng nhập khẩu đã giảm nhẹ do tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ bị thắt chặt. Nếu chính sách tiền tệ chuyển qua hướng tích cực thúc đẩy cầu nội địa thì cán cân thương mại sẽ bị áp lực thêm khi hoạt động nhập khẩu bắt đầu phục hồi.
Về dòng tiền gửi nội địa, vấn đề chính là lãi suất huy động mà người dân Việt Nam đang nhận và niềm tin của những nhà đầu tư nội địa vào tiền đồng. Với lãi suất huy động giảm từ 9% vào tháng 12 năm ngoái xuống 7,5% như hiện nay, một vài nhà đầu tư nội địa sẽ xem xét lại danh mục tài sản của mình. Mặc dù vẫn có chênh lệch lớn về lãi suất (trần lãi suất USD là 2%), nếu các nhà đầu tư dự đoán sẽ có cắt giảm lãi suất huy động thêm nữa, dễ nhận thấy rằng việc gửi tiền đồng sẽ có dấu hiệu chuyển đổi ngày càng tăng. Điều này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu những quan ngại về tiền đồng giảm giá lại trỗi dậy.
Dù NHNN gần đây đã cam kết không giảm giá tiền đồng và cũng đã trích lập một khoản dự trữ ngoại hối lớn hơn để có thể xử lý trong trường hợp có áp lực giảm giá nhưng “nếu lãi suất tiếp tục bị cắt giảm, những lo ngại về tính ổn định của đồng tiền sẽ nổi lên khiến tiền đồng chịu nhiều áp lực hơn.”-HSBC nhấn mạnh.
Với những phân tích trên, HSBC cho rằng, vào quý II-2013 sẽ không có thêm đợt cắt giảm lãi suất nào nữa.
Còn theo Ngân hàng ANZ Việt Nam, việc cắt giảm lãi suất nhằm hướng đến giải quyết nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp và hộ gia đình. Mặc dù việc cắt giảm lãi suất hỗ trợ nhu cầu tín dụng trên nhưng việc nguồn vốn cho vay thiếu hụt cần phải được giải quyết bằng cách tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và giải quyết vấn đề nợ xấu. Những biện pháp này sẽ mất một thời gian để mang lại lợi ích cho nền kinh tế và điều quan trọng là những cải cách này phải được tiếp tục duy trì trong những năm tới.
ANZ dự báo, đây sẽ là lần cắt giảm cuối cùng trong năm. Tuy nhiên, Ngân hàng này cũng không loại trừ khả năng sẽ có lần cắt giảm nữa nếu dữ liệu kinh tế xấu hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.