Theo dõi Báo Hànộimới trên

HP lại chơi một canh bạc đầy mạo hiểm

Theo Đầu tư chứng khoán| 03/10/2011 07:52

Mới đây, Hewlett-Packard (HP), tập đoàn công nghệ cao hàng đầu của Mỹ, đã bất ngờ phế truất ông Léo Apotheker, 58 tuổi, Giám đốc điều hành (CEO) và thay thế bằng bà Meg Whitman, 55 tuổi, nguyên CEO eBay


Bất ngờ ở chỗ ông Léo Apotheker mới lãnh đạo HP đúng 11 tháng và cách đây hơn một tháng (vào ngày 18/8) đã công bố rộng rãi chiến lược mới đầy táo bạo, thay đổi hướng hoạt động và phát triển kinh doanh của HP. Theo đó, HP sẽ từ bỏ mảng sản xuất máy tính cá nhân (mà Tập đoàn hiện đang là nhà sản xuất lớn số 1 thế giới) để tập trung vào mảng phần mềm và dịch vụ.

Theo nhận định chung, chính chiến lược này đã gây chia rẽ nội bộ, làm cho hàng ngũ các nhà quản lý bên dưới có liên quan cảm thấy bất an, bất ổn. Không chỉ các nhà quản lý cao cấp của HP, mà nhiều khách hàng lớn cũng đã chỉ trích gay gắt ông Léo Apotheker về quyết định xóa sổ mảng phần cứng này.

M. Eric Johnson, Giáo sư Trường kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth (Mỹ) nhận xét: "Chiến lược mà ông Léo Apotheker đưa ra gây chia rẽ nội bộ, làm nhiều người lo lắng cho tương lai của mình. Tôi cho rằng, chiến lược đưa ra mà chẳng nhìn thấy cách thực thi nào mang tính thuyết phục thì đương nhiên đứng trước nguy cơ phá sản ngay từ đầu".

Ông Ray Lane, Chủ tịch HP giải thích việc sa thải CEO như sau: ông Léo Apotheker hoạch định chính sách, chiến lược thì tốt, song người thích hợp nhất để thực thi chiến lược này lại phải là bà Meg Whitman.

"Chúng tôi có may mắn vì đã có một nhà quản lý tầm cỡ và nhiều kinh nghiệm như Meg Whitman đảm nhiệm vai trò lãnh đạo HP. Hiện HP đang ở trong giai đoạn quan trọng và cần phải thay đổi tầm nhìn lãnh đạo để thực hiện thành công chiến lược đã đề ra, cũng như nắm bắt tốt những cơ hội trên thị trường", ông Ray Lane nói.

Không ít nhà phân tích cho rằng, nhìn chung, đánh giá của ông Ray Lane về bà Meg Whitman không sai, song liệu bà có xoay chuyển được tình hình không thật sáng sủa ở HP hiện nay?

Trong vòng một thập kỷ qua, HP đã dính vào quá nhiều vụ bê bối đầy tai tiếng, nào là vụ scandal tình báo công nghiệp, vụ CEO Mark Hurd sa vào chuyện "quấy rối tình dục" với nhân viên dưới quyền... Hậu quả là, CEO liên tục bị thay (Carly Fiorina, Mark Hurd và nay là Léo Apotheker). Một số nhà phân tích còn nhận định, việc bổ nhiệm bà Meg Whitman vào ghế CEO là cách HP phủ định lại chiến lược mà ông Léo Apotheker đưa ra.

Về phần mình, bà Meg Whitman đã phát biểu khá "nổ" ngay ở cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên là, bà rất lấy làm vinh dự và tự hào được bổ nhiệm vào chức CEO HP. "Đây là cơ hội hiếm có để tôi có thể làm mới, thay đổi HP, một biểu tượng của nước Mỹ (nguyên văn tiếng Anh: American icon) theo hướng tốt", bà Meg Whitman nói.


Bà Meg Whitman - Giám đốc điều hành mới của HP

Bà cũng tuyên bố một cách không úp mở rằng, HP không thể bỏ bộ phận sản xuất máy tính cá nhân, vốn là mảng kinh doanh truyền thống. "Không bỏ mà phải xốc lại, làm cho tình hình thay đổi theo hướng tốt lên mà thôi", bà Meg Whitman nhấn mạnh.

Một số nhà phân tích đã nhận xét, HP khá phiêu lưu khi đặt niềm tin tràn trề vào tân CEO, vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, dù bà có 10 năm làm Chủ tịch kiêm CEO eBay (1998 -2008) và gặt hái nhiều thành công, song eBay nhỏ so rất nhiều so với HP. HP là tập đoàn kinh tế khổng lồ, đa ngành, với 320.000 nhân viên làm việc trên phạm vi toàn cầu, có doanh thu hàng năm trên 125 tỷ USD.

Thứ hai, trong quá khứ, bà Meg Whitman đã từng nếm mùi thất bại, phải bỏ cuộc. Bà đã từng được mời về để vực dậy Công ty cung cấp dịch vụ điện hoa FTD, song sau 2 năm, bà phải ra đi không kèn không trống, với một lời bình luận đầy tuyệt vọng: "không có thuốc chữa FTD". Ngay ở eBay, bà cũng có thương vụ mua đắt, bán rẻ nhớ đời. Năm 2005, bà đạo diễn vụ mua lại Công ty Skype với giá 4,1 tỷ USD, để rồi 4 năm sau đó (năm 2009) bán đi với giá chỉ còn là 2,75 tỷ USD, lỗ chổng kềnh.

Thứ ba, sau khi thất bại đau đớn trong cuộc chạy đua vào chức Thống đốc bang California vào cuối năm ngoái (kèm theo mất toi khoản tiền túi hơn 140 triệu USD dành cho vận động tranh cử), bà khó có tâm thế tốt nhất để lãnh đạo một doanh nghiệp lớn như HP.

Cuối cùng, giới đầu tư, kinh doanh cũng không phản ứng thuận với quyết định bổ nhiệm bà. Bằng chứng là, ở thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/9, giá cổ phiếu của HP tại Sở GDCK New York (Mỹ) đã giảm 4%, xuống còn 21,90 USD/cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2005. Tính ra, trong vòng 1 năm, giá trị vốn hóa thị trường của HP bị "bốc hơi" tới 60 tỷ USD, một con số lớn kinh hoàng.

Nếu cứ căn cứ vào những lời phán trên của các nhà phân tích, thì dường như HP đang thực sự lao vào một canh bạc, mà cơ hội thắng xem ra còn khá mong manh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HP lại chơi một canh bạc đầy mạo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.