(HNM) - Không lâu sau khi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chào đón 10 nhà lãnh đạo ASEAN trong một hội nghị cấp cao đặc biệt ở chính khu nghỉ dưỡng được xem là
Trong mối quan hệ đối thoại tốt đẹp thiết lập từ năm 1977 giữa Mỹ và ASEAN, đây chắc chắn không phải là cuộc gặp song phương duy nhất. Nhưng sự kiện ở Sunnylands lại đánh dấu lần nhóm họp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 11-2015 và Cộng đồng ASEAN hứa hẹn một sự liên kết mới ở Đông Nam Á được hình thành.
Gần 4 thập kỷ song hành và trải qua những thăng trầm dâu bể của chính trường quốc tế, nhưng mối quan hệ Mỹ - ASEAN không bị chi phối bởi bất kỳ sự đổi thay tiêu cực nào của thời tiết chính trị thế giới. Trái lại, sự liên kết này ngày càng gắn bó, thể hiện bằng những nâng cấp quan hệ trong từng giai đoạn và các chỉ số hợp tác ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Gồm 11 quốc gia có vị trí địa - chính trị quan trọng tại khu vực phát triển năng động bậc nhất hành tinh, nguồn tài nguyên dồi dào, dân số trẻ và gia tăng nhanh, khao khát nguồn vốn và công nghệ, Đông Nam Á luôn chiếm giữ một vị thế đặc biệt trong chính sách Châu Á - Thái Bình Dương và chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Vì vậy, hội nghị ASEAN - Hoa Kỳ đầu tiên trên xứ Cờ hoa theo sáng kiến của Tổng thống B.Obama là một cử chỉ rõ ràng khẳng định rằng cho dù các thể chế đa phương từ BRICS đến G-20 chưa phát huy vai trò như kỳ vọng, nhưng Mỹ vẫn cam kết với các cơ chế hợp tác cùng ASEAN như một phần của sự hiện diện bắt buộc tại Đông Nam Á, khu vực đã và sẽ luôn là ưu tiên đối với Mỹ. Không chỉ thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 4 nước trong ASEAN gồm Việt Nam, Singapore, Brunei và Malaysia là thành viên, thông qua các trao đổi ở Sunnylands, chính quyền Tổng thống B.Obama cũng xác lập được cách thức tiếp cận, những sáng kiến mới phù hợp với nhu cầu và tiềm năng khu vực Đông Nam Á đa dạng, làm bản lề cho sự hợp tác hiệu quả ASEAN - Hoa Kỳ trong giai đoạn mới vốn có sự cạnh tranh gay gắt và quyết liệt hơn. Với việc đề cao sức mạnh của ASEAN trên mặt trận kinh tế, Mỹ cũng mong muốn tạo lập một Đông Nam Á tự cường, phát huy được lợi thế để từ đó củng cố vai trò an ninh của khu vực trước những cuộc đọ sức quyền lực đang dẫn tới bất ổn nghiêm trọng tại Châu Á - Thái Bình Dương và trên quy mô toàn cầu.
Sở hữu vị trí địa lý chiến lược, các quốc gia ASEAN là thành trì không thể thay thế và cũng là những nước sẽ thụ hưởng lợi ích từ một Biển Đông hòa bình, an ninh và tự do hàng hải, hàng không mà Mỹ đang thúc đẩy. Do đó, những người bạn ở Đông Nam Á sẽ là một phần trong bản nguyên tắc mà Tổng thống B.Obama ngay trong bài phát biểu khai mạc hội nghị đã khẳng định nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền tự do đi lại. Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ cũng là dịp để ASEAN một lần nữa nhận thức được tầm quan trọng của sự đoàn kết nội khối, yếu tố hàng đầu để Hiệp hội duy trì và tăng cường vị thế trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, sự xuất hiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với việc tham gia tích cực vào các phiên thảo luận cũng như các cuộc gặp gỡ thân tình với lãnh đạo nhiều nước đã khẳng định thiện chí, tinh thần xây dựng và trách nhiệm của Việt Nam với các hoạt động của ASEAN cũng như cơ chế ASEAN - Hoa Kỳ. Với nỗ lực và niềm tin mạnh mẽ vào tương lai, quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ đã có những cơ sở mới, động lực mới để cùng nhau vượt qua khó khăn, tiến những bước vững chắc và ổn định trên hành trình của thế kỷ XXI.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.