Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác trong thận trọng

Trung Hiếu| 06/02/2012 06:29

(HNM) - Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa kết thúc chuyến thăm 3 ngày vào cuối tuần qua tới Trung Quốc nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước và thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ công tại Châu Âu. Đây là chuyến công du ngoài Châu Âu đầu tiên của nữ Thủ tướng A.Merkel trong năm nay và cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên "xông đất" Trung Quốc sau Tết Nguyên đán (23-1).

Nền kinh tế đang bên bờ vực suy thoái của nhiều nước EU rất cần sự trợ giúp từ những quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối cao như Trung Quốc. Trong ảnh: Nhà máy Sản xuất tàu cao tốc Siemens, Đức.

Hiện tại, quan hệ Trung - Đức đang ở vào thời kỳ phát triển tốt đẹp. Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu hiện là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Liên minh Châu Âu (EU). Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường quan trọng bậc nhất của các doanh nghiệp Đức tại Châu Á. Năm 2011, kim ngạch buôn bán hai chiều lên tới 170 tỷ USD và 2 nước đã nhất trí tiếp tục nâng con số này lên 280 tỷ USD vào năm 2015. Trong bối cảnh 2 nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Đức A.Merkel có lẽ sẽ trọn vẹn hơn nếu không canh cánh nỗi lo cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu. Điều này được thể hiện qua bài phát biểu của "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2011" tại diễn đàn doanh nghiệp song phương tại Bắc Kinh ngày 2-2 trước khi có cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Trong đó, phần lớn nội dung đề cập tới những khó khăn kinh tế mà Lục địa già đang phải đối mặt.

Trong vai trò đầu tàu kinh tế Châu Âu và là một trong những trụ cột sáng lập EU, lâu nay Berlin vẫn đảm nhiệm vai trò dẫn dắt cuộc chèo lái đưa khu vực thoát khỏi vũng lầy nợ công đang ngày một lan rộng. Vì vậy, ngoài việc xem chuyến thăm là một bước tiến mới để thắt chặt hơn quan hệ hợp tác giữa hai bên, Thủ tướng A.Merkel đã không bỏ qua cơ hội tìm kiếm sự trợ giúp từ quốc gia đang nắm giữ đến hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối - một con số "trong mơ" với Châu Âu đang trong cơn "khát" vốn. Và cố gắng của bà A.Merkel dường như đã được đền đáp. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố đang xem xét khả năng hợp tác với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và thông qua Quỹ Bình ổn tài chính Châu Âu (EFSF) cũng như Cơ chế bình ổn tài chính Châu Âu (ESM) - dù con số chính xác không được công bố - để hỗ trợ Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sau chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Đức A.Merkel. Trung Quốc hiện đang nắm giữ một số lượng không nhỏ trái phiếu do EFSF phát hành. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc công khai về khả năng mở kho dự trữ ngoại hối để giúp Châu Âu đang ngập trong khủng hoảng nợ.

Như vậy, không hẳn mục đích chuyến đi của Thủ tướng A.Merkel chỉ mang lại lợi ích một chiều. Xét một cách toàn diện, sự hậu thuẫn của Bắc Kinh với nỗ lực ngăn khủng hoảng tại Châu Âu sẽ là động thái tự cứu mình. Hiện tại, EU là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc, hơn cả Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương vượt 450 tỷ USD. Do đó, EU gặp khó khăn thì sớm hay muộn, kim ngạch xuất khẩu - nền tảng kinh tế của Trung Quốc - sẽ bị ảnh hưởng. Chưa dừng lại, nếu giải cứu EU, Trung Quốc còn thu lợi về cả chính trị lẫn ngoại giao. Khi EU thành "con nợ", chắc chắn tiếng nói của Bắc Kinh sẽ gia tăng trọng lượng trên các diễn đàn song phương và quốc tế. Có thể nói, can dự sâu vào Châu Âu trong lĩnh vực tài chính là bước đi chiến lược để Trung Quốc tăng cường sức mạnh trong nước; đồng thời mở rộng ảnh hưởng hơn nữa ra toàn thế giới, mà mục tiêu cuối cùng là tạo nền móng vững chắc cho vị thế của một siêu cường đang trỗi dậy.

Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận với cuộc chiến chống khủng hoảng nợ hiện nay tại Châu Âu là không đơn giản khi hai bên vẫn tồn tại những rào cản lớn trong quan hệ song phương. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội nhắc nhở EU bãi bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu vũ khí suốt 22 năm qua. Xa hơn nữa, Trung Quốc còn muốn đẩy mạnh tiến trình mua, trao đổi, tiếp nhận công nghệ cao trên nhiều lĩnh vực từ Châu Âu. Đây hiện là chủ trương lớn của Trung Quốc, bởi dù đã vươn lên thành quốc gia giàu thứ hai thế giới nhưng trình độ khoa học, công nghệ của Bắc Kinh còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, "kho tri thức" Châu Âu từ lâu gần như ngừng chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc vì nỗi lo trước "công xưởng hàng nhái lớn nhất thế giới". Ngoài ra, những bất đồng và toan tính hiện nay giữa các cường quốc xung quanh tình hình Iran và Syria cũng là những yếu tố tác động tới quá trình hợp tác Trung Quốc - EU. Vì vậy, không quá khó hiểu khi kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Đức A.Merkel tới Trung Quốc dù được đánh giá là thành công, nhưng chỉ dừng lại ở mức "thận trọng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác trong thận trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.