(HNMO) - Theo Báo cáo Tổng hợp Kinh tế châu Á 2018 do Ngân hàng Phát triển châu Á công bố sáng 23-10, hợp tác khu vực ngày càng trở nên cần thiết để giải quyết những thách thức xuyên biên giới đang gia tăng ở châu Á và Thái Bình Dương.
Ảnh minh họa. |
ADB nhận định, mối quan hệ gắn kết về thương mại và đầu tư đang gia tăng ở châu Á và Thái Bình Dương có thể là tầng đệm giúp khu vực chống đỡ trước những sự bấp bênh trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo ADB, hành động tập thể nhằm xây dựng hàng hóa công khu vực sẽ mang tới những lợi ích lớn hơn so với khi các quốc gia hành động đơn lẻ để giải quyết những vấn đề có tác động tới cả các nước láng giềng. Hàng hóa công khu vực là những hàng hóa, dịch vụ và hệ thống chính sách hoặc quy định giúp mang lại lợi ích chung giữa các quốc gia, như cơ sở hạ tầng xuyên biên giới, kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, và quản lý rủi ro thiên tai.
Ông Yasuyuki Sawada, Trưởng Ban Kinh tế của ADB nhận định: “Tăng cường hợp tác và phối hợp hành động trong khu vực có thể giúp các quốc gia xử lý các vấn đề khu vực, nhất là khi chúng bổ sung cho các hành động ở phạm vi quốc gia và toàn cầu. Các ngân hàng phát triển đa phương có thể giúp gia tăng hàng hóa công khu vực bằng cách thu hẹp khoảng cách về tri thức và tài trợ, cũng như thúc đẩy đối thoại chính sách thường xuyên phục vụ cho hợp tác lâu dài giữa các quốc gia”.
Báo cáo cho thấy, một số nỗ lực ở châu Á nhằm thiết lập và tăng cường hàng hóa công khu vực đã mang lại những tác động tích cực như cam kết năm 2014 của 18 nhà lãnh đạo châu Á về xóa sổ bệnh sốt rét vào năm 2030, dự án bảo vệ sức khỏe Tiểu vùng Mekong mở rộng và các chương trình tạo thuận lợi thương mại giữa các quốc gia thuộc khu vực hợp tác kinh tế vùng Trung Á…
Giá trị thương mại nội khối của châu Á đã tăng từ 57,2% tổng giá trị thương mại toàn cầu vào năm 2016 lên 57,8% trong năm 2017. Đầu tư trực tiếp nước ngoài nội khối cũng tăng nhẹ, từ 254,7 tỷ USD vào năm 2016 lên 260 tỷ USD năm 2017.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.