(HNM) - Hội nghị cấp cao đầu tiên về chống khủng bố của Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức trong hai ngày 28 và 29-6, quy tụ đại diện đến từ 120 quốc gia thành viên.
Hàng loạt vụ đánh bom xảy ra tại Surabaya (Indonesia) là dấu hiệu cho thấy nạn khủng bố đang lan rộng. |
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan đang gây phương hại hòa bình, an ninh quốc tế, gây chia rẽ các cộng đồng, làm trầm trọng các cuộc xung đột, gây bất ổn toàn bộ các khu vực. Không chỉ đe dọa Mỹ, Châu Âu, hay Trung Đông, giờ đây khủng bố đã lan rộng sang cả Châu Á và Châu Phi.
Vượt ra khỏi những mô hình truyền thống, khủng bố còn gia tăng sự hiện diện trên không gian mạng, khi các phần tử cực đoan khai thác tích cực các kênh truyền thông trên mạng xã hội, các trang web "đen" để tuyên truyền, tuyển mộ thành viên và chia sẻ thông tin phối hợp tiến hành các cuộc tấn công.
Phát triển phức tạp và có xu hướng lan rộng, chủ nghĩa khủng bố đã cản trở những nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, là trở ngại đối với sự phát triển bền vững, trở thành thách thức toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi quốc gia.
Trong bối cảnh ấy, Tổng Thư ký A.Guterres nêu ra 6 mục tiêu rõ ràng cho hội nghị. Theo đó, các thành viên LHQ trước tiên cần củng cố sự hợp tác chống khủng bố quốc tế, với tiền đề là những tiến bộ đã đạt được kể từ khi thông qua Chiến lược chống khủng bố toàn cầu, dựa trên quyết tâm chính trị và những nguồn lực mạnh mẽ.
Các quốc gia cần chú trọng hơn nữa việc ngăn ngừa khủng bố, phải kết hợp cả “đối phó” và “ngăn chặn”, với nhiều biện pháp khác nhau chứ không chỉ quân sự. Trong đó, tập trung nỗ lực vào những nguyên nhân sâu xa khiến một số người dân bị các lực lượng cực đoan lôi kéo.
Ngoài ra, các quốc gia cần bảo đảm tôn trọng đầy đủ quyền con người khi giải quyết vấn đề khủng bố và phải có sự đầu tư chiến lược cho thanh niên để chống khủng bố, ngăn chặn bạo lực cực đoan. Theo Tổng Thư ký LHQ, đây là vấn đề hết sức cần thiết, bởi những đánh giá gần đây cho thấy một thực tế đáng buồn là hầu hết những thành viên mới của các tổ chức khủng bố đều rất trẻ, có độ tuổi chỉ từ 17 tới 27.
Các nước thành viên LHQ cũng cần chú trọng tới những tổn thất thảm khốc mà chủ nghĩa khủng bố gây ra, làm hàng chục nghìn người thiệt mạng, bị thương hoặc bị ngược đãi mỗi năm.
Khi chủ nghĩa khủng bố đang diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu - mà theo mô tả của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Miroslav Lajcak - là “biến chuyển không ngừng”, việc tổ chức đa phương lớn nhất thế giới quyết tâm xây dựng một phong trào chống khủng bố thống nhất và toàn diện có ý nghĩa to lớn. Quyết tâm này của LHQ là cần thiết khi tiếng nói của các quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong cuộc chiến chống khủng bố chưa có sự thống nhất.
Điển hình là việc Mỹ vừa quyết định rút khoản viện trợ 2 triệu USD dành cho Văn phòng Chống khủng bố của LHQ, cơ quan vốn do nhà ngoại giao lão luyện của Nga Vladimir Voronkov đứng đầu. Bản thân Washington cũng chỉ cử một điều phối viên của Cục Phòng chống khủng bố quốc gia tham dự hội nghị lần này, thay vì một quan chức cấp bộ.
Với sự lây lan nhanh chóng, chắc chắn không một quốc gia nào có thể đứng riêng lẻ hoặc miễn nhiễm khỏi “đại dịch” khủng bố. Vì vậy, việc hợp tác để đẩy lùi và xóa bỏ hiểm họa này thông qua một tầm nhìn tổng thể là vô cùng cấp bách. Hội nghị vừa diễn ra của LHQ được hy vọng sẽ tập hợp những nỗ lực chung từ cộng đồng các quốc gia vì an ninh và ổn định toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.