(HNM) - Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, kéo giảm nhiều chỉ số của nền kinh tế, song lĩnh vực xuất khẩu vẫn giữ được mức tăng trưởng khá trong 9 tháng qua.
Theo đó, 3 quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2020. Hoạt động xuất khẩu tăng ở tất cả các thị trường trọng điểm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hòa vào kết quả chung của cả nước, xuất khẩu của thành phố Hà Nội cũng có nhiều đóng góp khi 9 tháng năm 2021 kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng 49,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 41,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 38,4%; giày dép tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là thành quả từ sự nỗ lực, kiên trì khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và các cấp, các ngành, cộng thêm những yếu tố quan trọng khác, như: Dịch Covid-19 ở nước ta đang được kiểm soát và dịch bệnh trên thế giới cũng dần hạ nhiệt; các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đã phát huy tác dụng; doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước...
Thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều, khó khăn vẫn ngổn ngang, song có cơ sở để các doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng đạt kết quả tốt hơn. Đó là nhu cầu tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu về cuối năm sẽ tăng cao; nền kinh tế toàn cầu đang dần hồi phục; sản phẩm của Việt Nam tiếp tục khẳng định uy tín ở những thị trường khó tính... Do vậy, doanh nghiệp cần tận dụng tốt thời cơ này, tiếp tục giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được.
Yếu tố tiên quyết lúc này vẫn là kiểm soát bằng được dịch Covid-19 để ổn định sản xuất. Trong điều kiện không thể khống chế dịch Covid-19 tuyệt đối, chúng ta phải có quy định về phòng, chống dịch bệnh thống nhất trên phạm vi toàn quốc phù hợp để bảo đảm không đứt gãy trong sản xuất, lưu thông. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tăng cường tiếp sức cho doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục cải cách hành chính; cho vay vốn, giãn, giảm thuế…
Bên cạnh đó, các tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (theo Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 30-8-2021 của Thủ tướng Chính phủ) cần sát sao để giải quyết kịp thời mọi vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp, xóa bỏ những rào cản trong hoạt động nhập khẩu nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa.
Đến thời điểm này, Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu... đều đã chứng minh được lợi ích đối với cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Do vậy, ngành Công Thương cần đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn, chủ động tham gia, tận dụng tối đa ưu thế từ các hiệp định này.
Song song đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tăng cường kết nối cung cầu, đa dạng hóa thị trường. Chú trọng phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh, như: Sản phẩm điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện; dệt may; giày dép; nông, lâm, thủy sản; máy móc, thiết bị phụ tùng…; khai thác sâu những thị trường trọng điểm mà hàng hóa nước ta đã tạo dựng được chỗ đứng, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU...
Ngoài ra, chính cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp; chủ động tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm... Sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sẽ hợp lực tạo đà bứt phá để lĩnh vực xuất khẩu đạt chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.