Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồn xưa, nghề cũ

An Nhi| 12/09/2016 07:13

(HNM) - Triển lãm “Những người giữ hồn Trung thu” của nhiếp ảnh gia Lê Bích trưng bày tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, Hà Nội), đang là tâm điểm thu hút trong Lễ hội Trung thu phố cổ 2016 (từ ngày 9 đến 15-9). Tác giả đã giới thiệu không chỉ những bức ảnh mà cả những nghệ nhân làm nghề thủ công truyền thống

Bà Vũ Thị Thanh Tâm, nghệ nhân làm thiên nga bông. Ảnh: Lê Bích



Nhiếp ảnh gia Lê Bích, người chọn cho mình lối đi vào làng xã, văn hóa truyền thống của người Việt bằng nghệ thuật để góp phần đưa những giá trị đã dần quên lãng trở về. Từ năm 2009, anh đi khắp các vùng quê, tìm về với làng nghề truyền thống, gặp nghệ nhân để ghi lại hình ảnh họ. “Những người giữ hồn Trung thu” là một phần đậm nét về nghề truyền thống ở Bắc Bộ trong kho ảnh ấy. Anh nói: “Mỗi lần tìm được người thợ cần mẫn lưu giữ những món đồ chơi truyền thống phục vụ trung thu ấy, mừng lắm. Đồ chơi truyền thống thật tinh xảo, không độc hại mà lại mang giá trị giáo dục cao”.

Triển lãm này, Lê Bích giống như người kể chuyện, vừa bằng ảnh, vừa bằng lời. 10 câu chuyện nghề là 10 nét đẹp vô cùng đặc biệt của trung thu dân gian. Nhiều người lớn tuổi đến xem không khỏi bần thần, cảm giác như mình được trở về với thời thơ ấu. Này chiếc đèn ông sao ở Báo Đáp (Hồng Quang, Ninh Trực, Nam Định), đầu lân làng Gạo (Thành Lợi, Vụ Bản, Nam Định), kia là những chiếc khuôn bánh trung thu bằng gỗ của nhà ông Quang ở Hàng Quạt (Hà Nội), chiếc tàu thủy sắt tây Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), đèn kéo quân (Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội), tiến sĩ giấy (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), mặt nạ giấy bồi ở Hàng Than (Hà Nội), thiên nga bông của bà Vũ Thị Thanh Tâm (Hàng Lược, Hà Nội)…

Mỗi nghề được sắp xếp thành một bộ ảnh, với nhân vật trung tâm là các nghệ nhân. Lê Bích cho biết, vì là đồ chơi cho trung thu nên mỗi năm các nghệ nhân chỉ làm một lần, trước trung thu một tháng. Với mỗi bộ ảnh, anh phải đi lại nhiều năm, nhiều lần để ghi được hết từ đầu đến cuối các công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu, thực hiện sản phẩm đến khi đưa chúng hòa vào cuộc sống. Những bức ảnh chân thực, sống động và mang tính nghệ thuật cao khiến người xem cứ muốn nán lại thật lâu. Dưới mỗi bộ ảnh còn có những lời chia sẻ của chính tác giả bằng tiếng Việt và tiếng Anh, về những nhân vật, họ sống với nghề như thế nào và thực trạng nghề ra sao... Trong đó, thoảng nhiều lời tiếc nuối: “Hiện ở phố Hàng Mã, Hà Nội chỉ còn duy nhất một gia đình làm đầu lân, sư tử, rồng”, “Trung thu 2012 chỉ còn duy nhất gia đình ông Hùng làm những chiếc tàu thủy sắt tây”, “Những con thiên nga hôm nay tôi thấy có phải là cuối cùng ở chợ trung thu Hàng Mã?”, “Chừng nào còn sức khỏe thì ông còn làm mặt nạ giấy, nhưng các con ông không ai theo nghề và cũng chưa ai học nghề”, “Ở phố cổ Hà Nội còn duy nhất ông Quang làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ”… May thay, vẫn còn đây những người giữ hồn Trung thu, nhưng mai này… Nhiều bộ ảnh của Lê Bích trong triển lãm như về ông Hùng làm đầu lân làng Gạo, đã trở thành lịch sử, vì hiện ông đã lớn tuổi và không còn làm nghề, con cái ông cũng chẳng nối nghiệp. Có những nghề giờ không thể tìm đâu người còn làm, chẳng hạn như nghề thổi hươu bằng thủy tinh…

Lê Bích thực hiện triển lãm này là muốn gieo một hạt mầm, đánh thức tình yêu với giá trị truyền thống trong mỗi người hôm nay. Trong thời gian triển lãm, anh còn mời các nghệ nhân đến làm và hướng dẫn khách tham quan tự làm đồ chơi trung thu cho mình. “Tôi mong đây sẽ là kỷ niệm không thể quên đối với mỗi người”, Lê Bích nói.

Ngoài triển lãm này, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa vui Tết Trung thu như: Trưng bày ảnh giới thiệu về Tết Trung thu của Hà Nội đầu thế kỷ XX (Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây), giới thiệu hình ảnh nghệ thuật rối Tế Tiêu, Mỹ Đức, Hà Nội (đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm), múa rối cạn Tế Tiêu (Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồn xưa, nghề cũ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.