Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 3 nghìn tỷ đồng và việc đơn giản hóa thủ tục

Hải Anh| 26/03/2013 05:58

(HNM) - Để thực hiện các thủ tục hành chính, công dân thường phải chứng minh nhân thân của mình bằng giấy tờ...

Uớc tính, trong cuộc đời mỗi công dân có thể sẽ phải thực hiện hàng trăm giao dịch hành chính. Nếu các TTHC ấy được đơn giản hơn thì gánh nặng chi phí mỗi năm sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng.

Nơi nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận “một cửa” huyện Chương Mỹ. Ảnh: Tào Ngọc


Hơn 1.800 TTHC yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân

Thống kê sơ bộ của Bộ Tư pháp cho thấy, trong số 5.400 TTHC thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có 1.807 TTHC yêu cầu công dân cung cấp thông tin cá nhân, xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân. Các TTHC có yêu cầu cung cấp thông tin công dân được quy định tại 679 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 103 Luật, Pháp lệnh, 164 Nghị định của Chính phủ, 31 Quyết định của Thủ tướng, 381 Thông tư/Thông tư liên tịch/Quyết định của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Nhằm phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước và để bảo đảm quyền, nghĩa vụ của công dân trong từng ngành, lĩnh vực, mỗi cơ quan quản lý nhà nước lại cấp cho công dân một loại giấy tờ nên hiện nay mỗi người có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ (giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe…). Gắn với mỗi loại giấy tờ công dân là một mã số nhất định phục vụ mục đích quản lý của cơ quan quản lý nhà nước như: Số chứng minh nhân dân, mã số thuế, số thẻ bảo hiểm… Bên cạnh đó, khi thực hiện TTHC và cấp các giấy tờ cho công dân, cơ quan quản lý nhà nước phải lưu trữ hồ sơ và tập hợp các văn bản lưu trữ, hình thành cơ sở dữ liệu. Hiện hầu hết các ngành, lĩnh vực đã triển khai hoặc hướng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử trong nội bộ ngành.

Với cách thức như vậy, việc quản lý dân cư ở nước ta bộc lộ nhiều bất cập, chi phí hành chính lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm cho các cá nhân tham gia vào giao dịch hành chính công. Trong khi đó, thông tin trong các giấy tờ này thường có nội dung trùng lắp. Chưa kể việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu điện tử của các ngành, lĩnh vực mới đơn lẻ, chưa có tính kết nối, chia sẻ thông tin với nhau nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, không thống nhất thông tin về công dân…

Mỗi công dân chỉ có một mã số

Thực hiện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để có cái nhìn tổng thể và đưa ra các giải pháp quản lý dân cư thống nhất, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư. Báo cáo về Dự thảo Đề án này, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết: "Việc cải cách TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư bắt đầu từ lĩnh vực quản lý hộ tịch, theo đó, các thông tin cơ bản của công dân trên giấy khai sinh là thông tin gốc, là cơ sở để quản lý, cấp các giấy tờ công dân trong các lĩnh vực khác, đồng thời là dữ liệu trung tâm trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".

Dự thảo Đề án cũng đề ra một số nhiệm vụ cho mỗi giai đoạn 2013-2014 và giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu tổng quát là đề ra và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý dân cư theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể, trong giai đoạn đầu hoàn thiện khung pháp lý cho việc cấp số định danh công dân; cung cấp thêm cơ sở cho việc xây dựng Luật Hộ tịch; trình Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân trên tất cả các ngành, lĩnh vực và trong tổng thể quản lý dân cư… Giai đoạn sau sẽ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân để các ngành, lĩnh vực và chính quyền các cấp khai thác, sử dụng.

Theo tính toán của Bộ Tư pháp, nếu triển khai thực hiện đề án, ước tính hằng năm sẽ cắt giảm khoảng 3.400 tỷ đồng chi phí. "Thống nhất thông tin về công dân trong một cơ sở dữ liệu quốc gia để các ngành cùng khai thác, sử dụng sẽ giúp công dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi thực hiện TTHC mà chỉ cần cung cấp số định danh công dân; giảm tải khối lượng văn bản lưu trữ và tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước" - ông Ngô Hải Phan khẳng định.

Về cấp số định danh công dân, bà Trương Hải Đường (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) đồng tình với quy định "đầu nguồn" để cấp mã số duy nhất là Bộ Tư pháp vì liên quan đến giấy khai sinh do Bộ Tư pháp quản lý, cung cấp. Tuy nhiên, theo bà Đường, phải có cách thức quy định rõ ràng chỉ tiêu mã số để tạo thuận lợi cho người dân dễ nhớ mã số của mình và buộc các bộ, ngành tuân thủ trong thực hiện, giải quyết TTHC nhằm bảo đảm tính duy nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hơn 3 nghìn tỷ đồng và việc đơn giản hóa thủ tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.