(HNM) - Hơn 20 năm kể từ ngày di sản đầu tiên (quần thể di tích cố đô Huế) được UNESCO vinh danh, đến nay Việt Nam vẫn chưa có được mô hình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phù hợp.
Những người trực tiếp quản lý DS tham dự hội thảo "Quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam" - do Bộ VH-TT&DL tổ chức vào cuối tuần qua, tại Hà Nội - đã kiến nghị cơ quan chức năng sớm xây dựng mô hình quản lý, khai thác khả thi.
Quản lý, khai thác chưa hợp lý
Đến thời điểm này, Việt Nam có 7 DS vật thể được UNESCO vinh danh ở cấp độ thế giới, gồm Quần thể di tích cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Việc quản lý khai thác giá trị di sản thế giới tại Việt Nam, trong đó có vịnh Hạ Long vẫn còn nhiều bất cập. |
Theo đánh giá của Cục Di sản văn hóa (DSVH), sau khi được UNESCO vinh danh, các DS trở thành nguồn tài nguyên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trước khi trở thành di sản thế giới (DSTG), mỗi năm vịnh Hạ Long chỉ đón vài chục nghìn lượt khách, nhưng hiện tại, DS này đón hơn 2 triệu lượt khách/năm, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Năm 2013, Khu phố cổ Hội An đón hơn 1,5 triệu lượt khách, số thu từ vé tham quan đạt hơn 65 tỷ đồng; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón hơn 25 vạn lượt khách/ năm, doanh thu đạt 23,6 tỷ đồng… Người dân tại khu vực DS cũng có điều kiện cải thiện đời sống nhờ tham gia làm du lịch, dịch vụ.
Mặc dù vậy, việc khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống DSTG ở Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ. Theo bà Phạm Thùy Dương, Trưởng BQL vịnh Hạ Long, môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên ở vịnh Hạ Long đang bị tác động mạnh bởi sự phát triển của các công trình xây dựng đô thị và các ngành công nghiệp ven bờ, bởi sự gia tăng dân cư, nhà bè, các phương tiện vận chuyển khách… "Trước thực trạng này, Ủy ban DSTG đã bày tỏ mối quan ngại trong một số kỳ họp thường niên. Liên tiếp trong các kỳ họp gần đây, Ủy ban DSTG yêu cầu Việt Nam gửi báo cáo giải trình về hiện trạng bảo tồn vịnh Hạ Long và giải pháp thực hiện các khuyến nghị về vấn đề nói trên", bà Phạm Thùy Dương nói.
Ông Nguyễn Chí Trung (Trung tâm Quản lý bảo tồn DSVH Hội An) cho biết: "Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DS Hội An là vô cùng to lớn, nhưng DS này vẫn đứng trước nguy cơ bị hủy hoại nếu những điểm hạn chế chậm được khắc phục. Nguy cơ lớn nhất là bão lũ tàn phá, hỏa hoạn rình rập, mối mọt, côn trùng tấn công". Còn tại DS Thành nhà Hồ, sau khi trở thành DSTG, một số hộ gia đình có giấy đăng ký quyền sử dụng đất vẫn tự ý xây dựng các công trình dân sinh trong khu vực DS, người dân vẫn canh tác trong 142ha của di tích Thành Nội làm biến dạng di tích.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã giao các cơ quan thuộc Bộ rà soát lại những vướng mắc về văn bản luật, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra giám sát tại các địa phương có DSTG. Bên cạnh đó, Hội đồng DSVH quốc gia cần có kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với DSTG, trước mắt là đối với các DS đang có khuyến nghị của UNESCO, từng bước báo cáo và tham mưu cho Chính phủ về vấn đề phân cấp và quy chế quản lý, mô hình và cơ chế chính sách đối với BQL các DSTG |
"Một nhà, nhiều chủ"
Theo phân tích của những người trong cuộc, nguyên nhân cơ bản khiến việc khai thác DSTG ở Việt Nam chưa hợp lý là do thiếu mô hình quản lý thống nhất, còn có sự chồng chéo, mạnh ai nấy làm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục DSVH nhận định: Hiện nay, các quy định, quy chế quản lý, bảo tồn, phát huy DSTG ở nước ta còn thiếu, chưa đồng bộ. Ví dụ như Hội An, Mỹ Sơn... chưa có kế hoạch quản lý tổng hợp theo Hướng dẫn thực hiện công ước DSTG năm 1972. Đáng nói hơn, mô hình phân cấp quản lý DSTG không có sự thống nhất. Bộ máy quản lý DS vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng, cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long do UBND tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý; phố cổ Hội An trực thuộc TP Hội An, khu Mỹ Sơn trực thuộc UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam); Thành nhà Hồ thuộc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa nhưng một phần diện tích Thành Nội của DS này vẫn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương…
Theo bà Phạm Thùy Dương, việc nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý một DS chẳng khác nào chủ nhà không có quyền xử lý những việc xảy ra trong ngôi nhà của mình. Sự thiếu thống nhất trong quản lý dẫn đến nhiều vấn đề như sự phối hợp giữa các đơn vị trực tiếp quản lý DS với các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo; quy định quản lý, sử dụng nguồn thu, cơ cấu chi cho DS không nơi nào giống nơi nào…
Các chuyên gia về bảo tồn DS cho rằng, mỗi DSTG có đặc thù riêng song rất cần sự thống nhất trong quản lý, điều hành, cần có quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các khu DSTG… Việc hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp đối với các DSTG là việc cần thiết, nhưng chắc chắn cần có thời gian để thực hiện. Trong bối cảnh đó, PGS Đặng Văn Bài, đại diện Việt Nam tại Ủy ban Di sản của UNESCO cho rằng, việc đầu tiên lúc này mà các địa phương có DSTG nên tập trung thực hiện là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý để có thể đảm đương nhiệm vụ trước mắt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.