Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 2 vạn doanh nghiệp đóng cửa: Không thể bình thường

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV| 10/04/2016 08:25

Chuyên gia chỉ rõ sự bất thường và phân tích các nguyên nhân dẫn đến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm.

Trao đổi về những vướng mắc đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp (DN) trong nước thời gian qua, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – TS. Nguyễn Đình Cung bày tỏ nhiều băn khoăn về số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong quý I năm nay lên tới 20.044 DN, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý I năm nay đã có 20.044 DN giải thể,ngừng hoạt động tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa: KT)


Theo TS. Nguyễn Đình Cung, trước đây trong giai đoạn 2000 - 2007 tỷ lệ DN tạm ngừng hoạt động so với số mới thành lập chỉ chiếm khoảng 15 - 20%. Tuy nhiên trong mấy năm nay tỷ lệ này tương đối cao, đặc biệt quý I/2016, số DN ngừng hoạt động dưới mọi hình thức so với số DN thành lập mới là con số cực kỳ cao. Nếu so sánh giữa 2 chỉ số DN ngừng hoạt động và DN thành lập mới tương đương nhau có thể thấy số lượng doanh nghiệp Việt Nam gần như không tăng.

“Tại sao số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động nhiều đến thế? Tôi thấy con số này không bình thường tí nào. Nếu cứ an ủi nhau là bình thường thì đó là cách nói không có trách nhiệm. Nếu với tư cách chuyên gia phải thấy sự bất thường khi so sánh giữa nước mình trước đây và các nước xung quanh, phải có cái nhìn sâu hơn vào những ngành và từng địa phương cụ thể”, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết.

Đề cập đến những nguyên nhân khiến nhiều DN ngừng hoạt động thời gian qua, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ tổng thể, rõ ràng chi phí của các DN đang phải tăng lên kéo theo lợi nhuận giảm xuống đến mức thua lỗ khiến DN phải ngừng hoạt động.

“Thua lỗ người ta mới bỏ đi, chẳng ai đang kinh doanh có lợi nhuận họ lại ngừng cả. Một là chi phí tăng lên, hai là doanh thu giảm xuống và ở đây có thể là cả hai. Có lẽ cái quyết định phần lớn nằm ở chi phí tăng lên khi rõ ràng là lãi suất tăng làm chi phí tài chính tăng; các chi phí về lao động, bảo hiểm, công đoàn.. tăng lên. Đặc biệt có khả năng chi phí thuế tăng lên”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu vấn đề.

Phân tích sâu hơn về vấn đề chi phí của DN, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng nhiều chi phí đang “bao vây” DN trên “mọi trận địa” khi chỉ thấy chi phí tăng và tăng, ko thấy chỗ nào giảm chi phí, giảm rủi ro cho DN. “3 triệu đồng thuế môn bài có thể không là gì cả đối với những DN lớn, nhưng với DN nhỏ thì đó là cả một vấn đề. Hay như những khoản tăng trả phí đường bộ, DN lớn ko sao, nhưng DN nhỏ phải trả thêm một khoản chi phí đó lại là rất lớn”, TS. Cung nói.

Nhận định rằng, việc ngân sách thất thu và chênh lệch bội chi đã khiến các khoản thu tăng lên theo kiểu “tận thu” đã khiến cho các DN thời gian qua đã phải tăng thêm nhiều chi phí, TS. Nguyễn Đình Cung cho thấy đây là hiện tượng bất thường và rất đáng lo ngại.

“Có những khoản trước đây người ta cho rằng không phải thu, nhưng bây giờ thu; có những khoản trước đây là chi phí hợp lý, hợp lệ nhưng giờ bảo không và phải thay đổi. Có những khoản đang cần thu sẽ thu ngay và được coi là khoản nộp tạm để sau khấu trừ… những điều này đang làm cản trở sự tiến bộ của Luật DN, Luật Đầu tư cũng như Nghị quyết 19 của Chính phủ”, TS. Nguyễn Đình Cung chỉ rõ.

Cho rằng với áp lực tăng thu để giảm bội chi ngân sách, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định đây là nguyên nhân gốc rễ của việc nhiều doanh nghiệp phải giải thể trong thời gian qua. Đặc biệt là khi nguyên nhân này lại được kết hợp với giai đoạn từ năm 2007 – 2013, gần như là một thời gian dài sức lực của DN tư nhân trong nước bị xói mòn, hao tổn đi rất lớn, do bất ổn kinh tế vĩ mô.

Mặc dù những năm gần đây, bất ổn kinh tế đã dần được khắc phục, nhưng sức khỏe cũng như năng lực tài chính của DN tư nhân Việt Nam vẫn đang bị xói mòn rất lớn. TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đáng lẽ thời kỳ này phải là thời kỳ nuôi dưỡng, nâng đỡ và tạo ra một tinh thần khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh thì chính các DN lại không nhìn thấy những động lực như vậy. Trong khi đó, trước yêu cầu để phát triển kinh tế hiện nay, rất cần nâng sức mạnh DN tư nhân Việt Nam để có khả năng tận dụng được các cơ hội của hội nhập.

Đánh giá vai trò của Luật DN và Luật Đầu tư đối với DN, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng đây là bước tạo đà cho cải cách điều kiện kinh doanh. Luật tạo ra một bước tiến là tập hợp công bố được 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng thực ra đây vẫn là con số quá lớn và quá nhiều trong một nền kinh tế bình thường.

Bởi lẽ, điều kiện kinh doanh nghĩa thực tế là hạn chế tự do kinh doanh, hạn chế gia nhập thị trường. Điều này đang hạn chế tính sáng tạo, tính đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa việc cung cấp sản phẩm tốt hơn.

Cho nên theo TS. Nguyễn Đình Cung, sẽ không quan trọng nếu bỏ hết điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề. Nên thay bằng cách quản lý đầu ra của sản phẩm bằng hậu kiểm, bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng mà Việt Nam đã có, trong khi điều kiện kinh doanh mới chỉ là điều kiện để DN cũng như gia nhập thị trường./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 2 vạn doanh nghiệp đóng cửa: Không thể bình thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.