Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 2.000 sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng quy tụ tại Hà Nội

Nguyễn Mai| 07/10/2022 13:01

(HNMO) - Ngày 7-10, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức khai mạc sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Sự kiện diễn ra trong 5 ngày, từ 7-10 đến 11-10, tại Trung tâm thành phố sáng tạo Mailand Hanoi City (Khu đô thị mới Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức).

Các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiêm Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Đây là sự kiện quan trọng của năm 2022 tiếp nối sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và UBND thành phố Hà Nội nhằm tích cực hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền trong cả nước.

Sau gần 4 năm triển khai, Chương trình OCOP với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, huyện Hoài Đức tham quan các gian hàng tại sự kiện.

Hiện nay, thành phố Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 sản phẩm), trong đó có 4 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, đã trình Bộ NN&PTNT xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

Bên cạnh kết quả tích cực, việc thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức. Nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc nhập khẩu, vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; còn phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường...

Người tiêu dùng mua sắm sản phẩm tại sự kiện.

Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng thu hút hơn 100 gian hàng với hơn 2.000 sản phẩm đặc sản vùng miền của 9 tỉnh Đồng bằng sông Hồng và 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, là cơ hội để các chủ thể OCOP tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 2.000 sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Hồng quy tụ tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.