(HNM) - Trên địa bàn huyện Ba Vì có 12 nông trường, lâm trường, trạm, trại (NLTTT) được Bộ NN&PTNT giao quản lý 10.809,8ha đất từ những năm 1960-1970. Sau khi chuyển sang cơ chế thị trường, phần lớn các NLTTT không trực tiếp sản xuất, mà giao khoán đất cho CBCNV và nhiều người khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Đất đai và tạo nên nhiều khó khăn, phức tạp cho địa phương trong công tác xử lý.
Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Ba Trại (Ba Vì) bị xuống cấp, người dân phải tự sửa chữa để đi lại. |
Nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai
Trạm Nghiên cứu và Sản xuất tinh đông lạnh Môncađa, tuy chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, nhưng đã tự chuyển đổi mục đích, giao 20,48ha đất nông nghiệp (NN) cho 209 hộ làm nhà, vườn. Trạm thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì quản lý tập trung diện tích 210,63ha, nhưng không giao khoán, chỉ giao cho công nhân và hộ dân quanh vùng trông nom, bảo vệ rừng theo hình thức thỏa thuận, không ký hợp đồng. Trạm cũng tự giao 4,47ha cho 22 hộ ở khu vực Cẩm Quỳ (xã Cẩm Lĩnh) "mượn" đất làm nhà và vườn; 12 hộ khu vực Đá Chông (xã Ba Trại) làm nhà ở... Đối với các NLTTT đã thực hiện cổ phần hóa, nhiều hợp đồng giao khoán đất không được theo dõi, quản lý chặt chẽ; nhiều khu đất đang được san ủi làm biến dạng, phân chia thành lô, thửa, xây dựng các công trình trái phép: nhà nghỉ, biệt thự… Điển hình là Công ty CP Giống gia cầm Ba Vì đã tự ý giao 20,81ha đất cho các hộ gia đình sử dụng làm nhà ở và đất vườn; ký hợp đồng, thu tiền và giao đất cho một số tổ chức thuê với thời hạn 30 năm. Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao kỹ thuật lâm nông nghiệp Ba Vì, chỉ có hợp đồng giao khoán ghi họ tên người nhận khoán, không ghi địa chỉ, thậm chí chưa có chữ ký của người nhận khoán, nhiều hồ sơ không có đơn. Trung tâm tự chuyển đổi 9,52ha đất NN thành đất thổ cư, giao cho 292 hộ. Có 223 hộ dân kinh tế mới sử dụng 66,59ha, song không có hồ sơ, không có quyết định hoặc văn bản, chủ trương chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về việc giao đất (?). Riêng Công ty cổ phần Việt - Mông có tổng diện tích thực tế 941ha (843,5ha thuộc địa bàn huyện Ba Vì, 97,5ha thuộc địa bàn TX Sơn Tây). Diện tích đất công ty cần sử dụng theo phương án cổ phần hóa là 29,8ha, nhưng hiện tại đang sử dụng có 6,39ha. Tình hình quản lý, sử dụng đất ở đây rất phức tạp: không có quy hoạch sử dụng đất, hồ sơ, bản đồ phục vụ công tác quản lý đất không đầy đủ, giao khoán lỏng lẻo, chồng lấn; nhiều trường hợp đào, ủi, san lấp, xây dựng công trình trái phép... Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Ba Vì cho biết: Hiện tượng vi phạm về chuyển nhượng đất, tự ý xây dựng các công trình kiên cố trên đất NLTTT xảy ra khá nhiều, phức tạp, khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định ANTT. Có những trường hợp vi phạm đã lôi kéo, kích động, chống người thi hành công vụ, khiến các ngành chức năng huyện cùng chính quyền xã Vân Hòa và xã Yên Bài phải phối hợp với Công ty CP Việt - Mông để ngăn chặn, xử lý….
Các xã có NLTTT hiện rất khó khăn trong việc lập quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. |
Khó khăn cho địa phương
Việc các NLTTT được giao quản lý đất trên địa bàn huyện Ba Vì cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Xã Minh Quang hiện đang xây dựng nông thôn mới, nhưng vấp phải vấn đề nan giải khi quy hoạch làm đường bê tông nông thôn và cải tạo hệ thống lưới điện trên địa bàn thôn Đá Chông. Toàn bộ số nhân khẩu, trường học, nhà văn hóa, đất nghĩa trang được bàn giao về chính quyền địa phương quản lý. Riêng đất ở, đất lâm nghiệp, đất NN do Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao kỹ thuật lâm nông nghiệp Ba Vì quản lý. Hệ thống đường giao thông nông thôn Đá Chông có tổng chiều dài 6,5km, rộng 1-3m, chủ yếu là đường đất, đá lổn nhổn, lồi lõm, rất khó đi. Xã đã có quy hoạch bê tông hóa đường giao thông nông thôn với chiều rộng 6m, cải tạo hệ thống lưới điện hạ thế, nhưng không thực hiện được, bởi đất do trung tâm quản lý. Xã Vân Hòa có 12 thôn, hiện chỉ còn thôn Việt Hòa chưa có nhà văn hóa do đất thuộc Công ty CP Việt - Mông quản lý. Xã Tản Lĩnh cũng vậy. Trên địa bàn xã có 5 đơn vị NLTTT và phức tạp nhất là vấn đề quản lý nhân khẩu. Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ trải dài trên địa bàn của 4 xã, nhưng người dân đều đăng ký hộ khẩu tại xã Tản Lĩnh, dẫn đến các quy hoạch về giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà văn hóa không đồng bộ...
Trước thực trạng khó khăn, phức tạp trong công tác quản lý, sử dụng đất đai ở đây, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì đã giao các ngành thanh tra, tài nguyên-môi trường, công an huyện, UBND các xã phối hợp với các NLTTT tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm… Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng đất đai ở các NLTTT trên địa bàn huyện Ba Vì rất cần được UBND TP Hà Nội và Bộ NN&PTNT quan tâm, giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.