(HNMO) - Ngày 18-12, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thông tin, đơn vị đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê công bố kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em ở Việt Nam lần thứ hai.
Kết quả cho thấy, hiện nay, nước ta có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên, độ tuổi từ 5 đến 17 tuổi là lao động trẻ em. Tỷ lệ này tương đương với hơn 1 triệu trẻ em đang tham gia lao động, tập trung chủ yếu ở nông thôn, thường làm những công việc thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.
Trong số lao động trẻ em, có hơn 50% số trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc, độc hại cần được quan tâm hơn... Thời gian làm việc của lao động trẻ em làm công việc nặng nhọc khá dài, 40,6% số trẻ ở nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ/tuần. Việc trẻ em phải làm những công việc không phù hợp với độ tuổi gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần, hạn chế cơ hội học tập, vui chơi của trẻ.
Mặc dù còn nhiều trẻ em tham gia lao động sớm, song, kết quả điều tra cũng cho thấy tín hiệu tiến triển tích cực. Đó là tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỷ lệ trung bình của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn so với kết quả điều tra lần thứ nhất vào năm 2012, thì số lao động trẻ em ở nước ta đã giảm từ 15,5% vào năm 2012 xuống còn 5,3% ở thời điểm hiện nay. Số trẻ em tham gia lao động được đến trường tăng từ 43,6% vào năm 2012 lên 63% vào năm 2020...
Để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện, hạn chế tình trạng trẻ em phải tham gia lao động sớm bằng những công việc không phù hợp với độ tuổi, ILO khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện mục tiêu xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức; tập trung, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng khó khăn...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.