Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đang xét xử vụ kiện tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam hay còn được biết đến là Taxi Vinasun và bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi Việt Nam.
Sáng 6-2, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam.
Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đối với khoản lợi nhuận bị sụt giảm hơn 40 tỷ đồng trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017. Trong đơn kiện, Vinasun cho rằng khoản lợi nhuận bị sụt giảm này là do hoạt động kinh doanh trái pháp luật ở Việt Nam của Grab gây ra.
Theo đơn khởi kiện, Taxi Vinasun kiện taxi Grab dựa trên quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh. Vinasun đã cung cấp bằng chứng bao gồm văn bản, hình ảnh, video để chứng minh việc Grab vi phạm cạnh tranh thương mại.
Vinasun đã cung cấp bằng chứng bao gồm văn bản, hình ảnh, video cho tòa án để chứng minh việc Grab vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức phá giá. Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc thường trực Vinasun, cho biết việc khởi kiện Uber, Grab sẽ được doanh nghiệp này theo đến cùng. Ông Hỷ tiết lộ Vinasun cũng cung cấp trên 20 video cho tòa án kèm theo đơn kiện để làm bằng chứng cho thấy Grab vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Theo Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh, Grab đã phát triển 28.000 phương tiện trong thời gian qua nhưng ở chiều ngược lại, taxi truyền thống đã mất đi hơn 3.000 đầu xe hoạt động trên tổng số 12.000 xe của toàn thành phố.
So sánh các mức đóng góp nghĩa vụ với nhà nước cũng cho thấy lợi thế trong kinh doanh nghiêng về taxi sử dụng ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn, taxi truyền thống nộp thuế 20% trên tổng số lợi nhuận, con số này của taxi công nghệ chỉ là 5%. Thuế VAT của taxi công nghệ cũng chỉ bằng một nửa của mức 10% mà taxi truyền thống đóng cho nhà nước. Chưa kể các loại đóng góp liên quan đến phúc lợi xã hội như bảo hiểm cho lái xe, các hãng taxi đều có nhưng Uber, Grab thì không.
Các luật sư cho rằng, việc Vinasun khởi kiện Grab là một cách hành xử văn minh trong kinh doanh.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, đây là một vụ kiện rất cam go, nguyên đơn và bị đơn và ngay cả Tòa án sẽ phải làm việc hết sức vất vả để có thể đưa ra những lập luận và quyết định để bảo vệ được mình. Một khó khăn nữa là chưa có án lệ cho những vụ việc như thế này và kinh nghiệm quốc tế có thể được xem xét.
“Tòa án sẽ rất khó khăn để đưa ra phán quyết bởi vì phán quyết sẽ làm thay đổi tương quan giữa taxi truyền thống và công nghệ và nó cũng sẽ là một án lệ hay cho nền tư pháp Việt Nam. Vì vậy, tôi cho rằng nên để thị trường tự quyết định xem bên nào là bên thắng cuộc”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu quan điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.