Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hôm nay, V.League 1 khai mạc: Sẽ “sạch” và hấp dẫn hơn?

Minh Quang| 02/03/2013 07:11

(HNM) - V.League của những mùa trước từ mùa này đã được đổi tên thành V.League 1, còn giải hạng nhất được gọi tắt là V.League 2.

Những khó khăn trước mùa bóng này lại được nhiều chuyên gia đánh giá là sẽ mang đến những điều tích cực cho V.League 1. Hai đội bóng ở V.League, 6 đội bóng hạng nhất giải tán khiến số cầu thủ thất nghiệp tăng vọt. Những người tốt nhất trong số này được mời về các đội bóng khác. Đương nhiên, người đến phải có người đi. Danh sách cầu thủ đăng ký dự các giải đấu có hạn, còn số cầu thủ mong muốn tìm được việc làm lại nhiều hơn hẳn. Chỉ trong thời gian khủng hoảng vừa rồi, giới cầu thủ mới nhận ra đúng vị trí của mình, không còn sự đủng đỉnh trong luyện tập, thi đấu mà vẫn nhận lương cao. Rồi đây tất cả đều phải làm việc cật lực để giành một vị trí trong đội bóng. Nếu không, khả năng "treo niêu" sẽ là rõ ràng. Điển hình là Văn Quyến, anh đang phải tập luyện cật lực để giành suất thi đấu ở V.Ninh Bình. Không đá bóng thì kể cả những người có tài như Văn Quyến cũng khó mà kiếm kế sinh nhai và có mức thu nhập như khi còn là cầu thủ chuyên nghiệp.

Văn Quyến (số 15) đang tích cực luyện tập với V.Ninh Bình.


Sự cạnh tranh luôn thường trực khiến các cầu thủ sẽ phải luôn thi đấu nghiêm túc. Hy vọng, nhờ đó, chuyện "bán độ, đánh quả, dàn xếp tỷ số" trong giới cầu thủ, thậm chí lãnh đạo đội bóng sẽ được hạn chế. Đấy là một trong những lý do để nhiều người tin rằng, mùa bóng này sẽ "sạch" hơn.

Ở một khía cạnh khác, việc các đội bóng giải thể khiến quy mô các giải đấu nhỏ đi, những cầu thủ xuất sắc từ các đội làng nhàng đến những đội bóng khác mạnh hơn như: Hà Nội T&T có Thành Lương, Sông Lam Nghệ An chiêu mộ Công Vinh, Đồng Tháp ký hợp đồng với một loạt cầu thủ gốc Đồng Tháp mùa trước thi đấu cho Navibank Sài Gòn… sẽ rút ngắn sự chênh lệch về trình độ giữa các đội. Sự hấp dẫn của V.League 1 mùa này cũng có thể đến từ đây.

Ban kỷ luật mạnh tay đến mức nào?

Muốn giải đấu sạch sẽ, việc chỉ trông vào sự tự giác từ cầu thủ là chưa đủ. Nhất là, trong giai đoạn cuối, do giải đấu chỉ có một đội xuống hạng, những đội trụ hạng sớm có thể buông xuôi, khiến cầu thủ nảy sinh tiêu cực. Do đó, điều quan trọng không kém là sự mạnh tay, quyết đoán của BTC giải, Ban kỷ luật. Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường nói rằng, trong mùa giải này, Ban kỷ luật sẽ tăng nặng hình thức xử phạt các hành vi phi thể thao, coi thường khán giả, bạo lực sân cỏ…

Nói là vậy nhưng làm thế nào lại là chuyện khác. Với sự ra đời của Ban tư vấn đạo đức từ mùa bóng năm nay, Ban kỷ luật có thể sẽ mạnh tay hơn với các nghi án tiêu cực. Nhưng điều khiến người ta băn khoăn là cách làm việc của Ban kỷ luật. Ban này sẽ chủ động vào cuộc trước mỗi vụ việc hay cứ ngồi đợi Ban tổ chức giải cung cấp tài liệu rồi mới xử lý? Liệu ban có dám làm tới cùng nhằm răn đe, xử phạt đến nơi đến chốn các hành vi tiêu cực? Trả lời được những câu hỏi này thì mới hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ "sạch" và "hấp dẫn hơn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hôm nay, V.League 1 khai mạc: Sẽ “sạch” và hấp dẫn hơn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.