(HNM) - Một CD gồm các bài cổ nhạc và ca khúc mang âm hưởng truyền thống nhưng nghe hơi…
Chuỗi ngày hứng khởi
Bắt đầu từ cuộc biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật vào 5 năm trước, kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam, Ngô Hồng Quang quen vợ chồng nhạc sĩ Onno. Những cuộc phối hợp nhỏ đầy ngẫu hứng để… "chơi âm nhạc" cho thấy hai bên rất hợp nhau. Onno rất yêu âm nhạc của nhiều nước trên thế giới nên khi quen biết với các nghệ sĩ ở phương trời khác, anh thường mời họ về ghi âm, phối hợp làm tác phẩm tại phòng thu của mình. Đó là khởi đầu cho việc thực hiện "Song hành" sau này, khi Ngô Hồng Quang sang học sáng tác tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan.
Từ đầu năm 2010 đến đầu 2011, thường vào thứ tư hằng tuần, Quang lại bỏ ra 30 phút đạp xe đến Noon Studio của Onno, trên vai lỉnh kỉnh nhạc cụ. "Mùa đông tuyết trơn ướt, đi ven kênh ngã liên tục", Quang kể: "Nhưng tôi phấn khởi lắm, vì đang thực hiện một công việc mà mình tâm huyết và hứng thú. Có những lúc rất sốt ruột và khó chịu vì tôi muốn việc ra đĩa chỉ trong nửa năm thôi".
Phải đến giữa năm 2011 thì "Song hành" mới ra đời. Nhưng, ngẫm lại, cũng bởi "lâu la" thế nên nhóm nghệ sĩ mới có thời gian "kiểm nghiệm" từng bản thu, cách hòa âm, phối khí một cách cẩn thận. Ban đầu, CD mới được in có 500 bản để thăm dò, nhưng sau đó, thính giả Hà Lan đón nhận nhiệt tình nên các nghệ sĩ quyết định tái bản.
Ngoài việc học và phối hợp biểu diễn thường xuyên với các nghệ sĩ nước ngoài tại Hà Lan, Ngô Hồng Quang còn thường xuyên về Việt Nam để tham gia một số dự án, chương trình âm nhạc. Anh học hát xẩm với NSND Xuân Hoạch tại Hà Nội; học đàn tính, hát then với NSƯT Bích Hồng tại Bắc Ninh… |
Gặp gỡ Đông – Tây
"Song hành" gồm các bài xẩm, chèo, dân ca như "Mục hạ vô nhân", "Ru con" (Nam bộ), "Con gà rừng", "Nhịp đuổi", "Xẩm huê tình", "Lý ngựa ô", "Quyết chí tu thân", "Lới lơ", "Xẩm xoan", "Qua cầu gió bay". Bài hát "Tiếng Việt" của nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Lê Tâm phổ thơ Lưu Quang Vũ, bài "Đàn cò" và bản nhạc "Hội bản" của Ngô Hồng Quang cũng được đưa vào ấn phẩm.
Nét độc đáo của CD này nằm ở tinh thần giao thoa. Ngô Hồng Quang cho biết, anh tập trung vào nhạc cụ dân tộc, ưu tiên các bài xẩm, chèo, dân ca và một số sáng tác mới. Bản thu được Onno nghe, hòa âm nhạc điện tử. Sau đó, Hồng Quang nghe lại, góp ý. Vì thế, với mỗi bài, họ mất hai, ba tuần mới làm xong. "Tôi hoàn toàn tôn trọng Onno và để anh ấy chủ động tất cả trong việc hòa âm trên tinh thần đã trao đổi với Onno về hướng hòa thanh theo chất Việt Nam chứ không theo lối cổ điển phương Tây", Hồng Quang nói. Có lẽ nhờ thế mà khi ấn phẩm hoàn thành, mọi người cảm thấy rất ưng ý bởi các tác phẩm đậm tính dân tộc, âm hưởng truyền thống được truyền tải trên nền nhạc điện tử hiện đại, mới mẻ. Có nhà phê bình âm nhạc của Hà Lan đánh giá: Đây là sự gặp nhau thú vị giữa Đông và Tây…
"Song hành" thể hiện một hướng đi của Ngô Hồng Quang trên tinh thần đem lại, cách thể hiện mới cho các tác phẩm âm nhạc dân tộc: "Kết hợp các chất liệu âm nhạc truyền thống với nhau, với âm nhạc hiện đại để tạo nên "không gian âm nhạc" mới. Nghệ sĩ trẻ cho biết, việc theo học ngành sáng tác tại Hà Lan hiện nay đã gợi mở cho anh nhiều ý tưởng, dự định mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.