Sáng 30-11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia 2010 đầu tiên của Việt Nam. Báo cáo dày 130 trang, được Viện Quản lý kinh tế TƯ (CIEM), Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á (Singapore) thực hiện với sự chỉ đạo về chuyên môn của GS Michael E. Porter.
Báo cáo được xây dựng dựa trên thảo luận sâu với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam như Quốc hội, các bộ, ngành, tổ chức quốc tế: WB, USAID, Phần Lan, Anh, Nhật, UNDP.
Hội thảo do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Giáo sư Michael E. Porter Đại học Harvard (Mỹ) đồng chủ trì nhằm làm sáng tỏ thêm những góp ý của các chuyên gia kinh tế về hướng đi của nền kinh tế của Việt Nam trong ít nhất 10 năm tới.
Hội thảo được GS M.Porter dẫn dắt là một cái nhìn tổng quan để từ đó đề xuất hướng đi và một loạt khuyến nghị về chính sách cho Việt Nam. Theo GS, Việt Nam đã thành công cực kỳ lớn khi vượt qua các cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, mức thịnh vượng chung vẫn thấp, mô hình tăng trưởng hiện nay không nâng cao được sự thịnh vượng của Việt Nam nữa, phải thay đổi sớm trong một vài năm tới vì đà tăng trưởng đang "chậm dần", đã đến lúc Việt Nam phải bước sang một "chương" mới để cải cách.
Tại hội thảo, GS M.Porter cũng thẳng thắn đề cập tới năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam còn yếu, chưa đem lại lợi thế độc đáo cho hàng hóa trên thị trường thế giới; đồng thời hàng loạt vấn đề còn tồn tại từ nhân lực, thu nhập của người dân, cải cách hành chính đến quy định của pháp luật cũng như môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao kết quả mà báo cáo đã thực hiện. Báo cáo đã cụ thể hóa khuyến nghị trong các chính sách ưu tiên của Việt Nam và đưa ra được thứ tự ưu tiên của các nhóm vấn đề từ cải cách xã hội đến cải cách thể chế; cải cách ngắn hạn, dài hạn trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015 đến 2020 của Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng khẳng định việc xem xét thành lập Hội đồng cạnh tranh quốc gia, tạo một tổ chức chuyên ngành có các hoạt động tương xứng với vấn đề cạnh tranh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.