(HNM) - Ngày 24-2, Trường ĐH Kinh tế quốc dân phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Viện Nghiên cứu chính sách Nhật Bản đã tổ chức hội thảo "Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Giai đoạn 2001-2010 và định hướng tới năm 2020".
Tham gia hội thảo có khoảng 250 đại biểu từ các cơ quan quản lý, trường ĐH, viện nghiên cứu, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế…
Trong 54 bài viết tham dự, các nhà khoa học đã phân tích khá toàn diện bức tranh về chất của nền kinh tế Việt Nam; chỉ ra những lỗ hổng, những khiếm khuyết của sự tăng trưởng nền kinh tế để từ đó gợi mở những giải pháp khắc phục. Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,25%, thuộc loại cao so với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng còn thấp với các biểu hiện: năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn vật chất và năng lượng thấp; năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp và hầu như không được cải thiện từ năm 2001 đến nay; bất bình đẳng có xu hướng tăng mạnh; thiệt hại môi trường gia tăng; môi trường kinh tế vĩ mô có nhiều bất ổn, lãi suất quá cao, lạm phát tăng và đồng tiền mất giá…
Các ý kiến tham gia hội thảo tập trung vào một số giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế đến năm 2020: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng trưởng theo chiều sâu, thân thiện với môi trường; tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng; nâng cao chất lượng thể chế và nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả các chính sách về an sinh xã hội, đặc biệt đối với các nhóm yếu thế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.