(HNM) - Sau Liên hoan sân khấu chèo đề tài hiện đại (tháng 11-2011 tại Thái Bình) có quá ít tác phẩm hay và "tới", ngày 13-7, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức hội thảo "Nghệ thuật chèo với đề tài hiện đại" tại Nhà hát Chèo Quân đội (Hà Nội) với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ để phân tích sâu rõ hơn những vấn đề này.
Cũng giống như nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác, bên cạnh việc phục dựng những tích chèo cổ đặc sắc, các đơn vị nghệ thuật chèo nên tiến hành cải biên, xây dựng những tiết mục chèo với nhân vật mới, cách biên kịch mới và mang ngôn ngữ hiện đại. Đó là đòi hỏi bức thiết để nghệ thuật chèo được tôn vinh và có đời sống trong sự phát triển của xã hội, được đa phần các ý kiến tại hội thảo đồng tình. Song, khai thác đề tài này ra sao để không làm mất "chất" chèo là điều được bàn thảo nhiều nhất. Đề tài hiện đại thường được các tác giả và các đơn vị nghệ thuật chèo khai thác là nông thôn, hậu chiến, biến động của đời sống đô thị… Nhưng các tác phẩm hầu như chỉ chạy theo nội dung khiến vở chèo dễ bị "kịch hóa".
Có những ý kiến xác đáng cho rằng nên "khoanh vùng", tức là chèo đề tài hiện đại phải bảo đảm bao nhiêu phần lời hát, bao nhiêu làn điệu chèo được đưa vào tác phẩm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.