(HNMO) - Ngày 16-6, Hội thảo “Cách mạng sản xuất mới và hàm ý chính sách” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.
Với chủ đề “Cách mạng sản xuất mới và hàm ý chính sách”, Hội thảo đã diễn ra hai phiên thảo luận về đặc điểm của cách mạng sản xuất mới, tác động và hàm ý chính sách cho các nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cách mạng sản xuất mới đang mở ra nhiều cơ hội cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam nâng cao năng suất và rút ngắn khoảng cách phát triển. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn như TPP, FTA với EU, Liên minh kinh tế Á- Âu..., việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới để tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhu cầu cấp thiết. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh cách mạng sản xuất mới đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các nước đang phát triển như Việt Nam; mong muốn thông qua Hội thảo, các chuyên gia của OECD chia sẻ nghiên cứu, đánh giá về đặc điểm và tác động của cách mạng sản xuất mới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia OECD đã trình bày một số nghiên cứu, đánh giá gần đây của OECD về cách mạng sản xuất mới. Ông Robert Ford, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế OECD cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mới đang ở giai đoạn sơ khai, cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, chưa thể đánh giá và dự báo hết được tác động của cách mạng công nghiệp lần này. Ông Alistar Nolan, chuyên gia phân tích cao cấp về khoa học-công nghệ và đổi mới của OECD đã có bài trình sâu về tác động của công nghệ mới đối với sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của con người.
Ông Alistar Nolan cho rằng bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... Ông Nolan đánh giá các công nghệ mới không chỉ tác động về sản xuất, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội, lao động, việc làm, an ninh, chính trị...
Các chuyên gia của OECD khuyến nghị các nước cần đầu tư cho chính sách khoa học-công nghệ, tạo môi trường kinh doanh năng động để thúc đẩy lan tỏa công nghệ, cải cách thị trường lao động, hệ thống giáo dục-đào tạo. Một số chuyên gia OECD nhấn mạnh các chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực để thích ứng với biến đổi nhanh của công nghệ và sự phát triển của cách mạng công nghiệp mới.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một vấn đề mới nhưng đang thu hút sự quan tâm lớn của nhiều quốc gia trên thế giới. Hội thảo “Cách mạng sản xuất mới và hàm ý chính sách” do Bộ Ngoại giao phối hợp với OECD tổ chức là hội thảo đầu tiên ở Việt Nam trao đổi về cuộc cách mạng này, góp phần tích cực để cơ quan lập chính sách, nghiên cứu và doanh nghiệp Việt Nam từng bước nắm bắt và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.