(HNM) - Một năm đã trôi qua nhưng hầu hết người dân đất nước Mặt trời mọc vẫn chưa quên thời khắc kinh hoàng: 14 giờ 46 phút ngày 11-3-2011, khi thảm họa động đất sóng thần ập vào các tỉnh miền đông bắc Nhật Bản.
Cơn "đại địa chấn" mạnh hơn 9 độ richter - lớn thứ tư thế giới trong hai thế kỷ qua - không chỉ cướp đi mạng sống của 15.854 người, làm 6.023 người bị thương và khiến 3.276 người mất tích, mà còn đẩy nước Nhật rơi vào một cuộc khủng hoảng do sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1. Những đổ nát ở Nhật Bản sau thảm họa ngày 11-3, giờ đây đang nhường chỗ cho sự hồi sinh tại những vùng đất thiên tai đã đi qua.
Nhiều cơ sở hạ tầng ở Nhật Bản sau thảm họa thiên tai ngày 11-3, đã hồi phục trở lại.
Dù phải sống chung với những trận động đất xảy ra "như cơm bữa" nhưng người dân Nhật Bản vẫn không thể lường hết được "sức mạnh hủy diệt" của thảm họa thiên tai chưa từng có trong lịch sử nước này. Không chỉ tàn phá nhà cửa, cơ sở hạ tầng, thảm họa kép 11-3 còn xóa sổ nhiều thành phố, làng mạc ven biển của Nhật Bản… với thiệt hại ước tính lên tới 300 tỷ USD. Song điều đáng sợ nhất sau thảm họa là hậu quả của sự cố hạt nhân Nhà máy Fukushima số 1 để lại cho con người cũng như môi trường sống quanh khu vực. Từ một nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, sau thảm họa Nhật Bản rơi vào khó khăn khi nhiều nước cấm nhập khẩu hoặc kiểm dịch gắt gao các sản phẩm từ nước này, nhất là các khu vực chịu ảnh hưởng của sự cố Nhà máy Fukushima số 1. Sự cố hạt nhân không chỉ tác động mạnh tới chính sách năng lượng cũng như chiến lược tăng trưởng mới dựa vào xuất khẩu cơ sở hạ tầng và công nghệ cao của Nhật Bản, mà còn đẩy nhiều doanh nghiệp xứ Phù Tang vào khó khăn do thiếu năng lượng; đồng thời làm chậm quá trình khôi phục kinh tế sau thảm họa.
Những mất mát quá lớn do thảm họa càng khiến thế giới ngỡ ngàng trước sự hồi sinh mạnh mẽ của đất nước Mặt trời mọc. Liên tục những ngày qua các phương tiện truyền thông Nhật Bản và quốc tế đã đăng tải nhiều bức ảnh cùng một nhân vật, cùng một địa điểm nhưng ở hai thời điểm khác nhau như một dẫn chứng cho sự hồi sinh mãnh liệt của xứ hoa Anh đào một năm sau thảm họa. Một loạt cơ sở hạ tầng tại những vùng bị ảnh hưởng như: hệ thống tàu cao tốc, đường cao tốc, sân bay… đã được khôi phục 100%. Mới đây Nhật Bản còn thành lập cơ quan tái thiết trực thuộc chính phủ để thúc đẩy và điều phối hiệu quả các chính sách và biện pháp tái thiết các khu vực hứng chịu thiên tai nặng nề. Nhiều chính sách ưu đãi trị giá hàng nghìn tỷ yên cho công cuộc tái thiết vùng Đông Bắc để xây dựng các khu nhà tạm, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đền bù thiệt hại do sự cố hạt nhân… đã được Chính phủ Nhật Bản thực hiện. Để có được sự hồi sinh như đang diễn ra, cùng với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế là nỗ lực to lớn của chính phủ và tinh thần "samurai" của người dân Nhật Bản.
Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa công cuộc tái thiết đất nước sau thảm họa với nội các của Thủ tướng Yoshihiko Noda hoàn toàn thuận lợi. Thảm họa kép đã để lại gần 23 triệu tấn rác ở những tỉnh bị thiệt hại nặng nhất như: Iwate, Miyagi và Fukushima... nhưng đến nay nhiều chính quyền địa phương vẫn từ chối cho phép xử lý số rác thải gần nơi họ cư ngụ do lo ngại chúng có thể bị nhiễm phóng xạ. Mục tiêu của chính phủ là dọn dẹp xong rác thảm họa trước tháng 3 năm 2014, nhưng Bộ trưởng Môi trường Goshi Hosono cho rằng "sẽ cực kỳ khó khăn" để đạt được mục tiêu này nếu tốc độ xử lý không được thúc đẩy nhanh hơn nữa. Một năm sau thảm họa, các nhà khoa học Nhật Bản cảnh báo rằng, Tokyo có thể sớm hứng chịu một trận động đất tồi tệ khiến hàng nghìn người chết vì mỗi ngày trung bình có khoảng 1,5 trận động đất được ghi nhận ở trong và xung quanh Tokyo.
Để đẩy nhanh tốc độ tái thiết đất nước, mới đây Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách tài khóa 2012 trị giá 90,3 nghìn tỷ yên nhưng sự phản đối của các đảng đối lập sẽ khiến dự thảo ngân sách này khó được thông qua tại Quốc hội trước khi tài khóa mới bắt đầu vào tháng tư tới. Trong bối cảnh Thủ tướng Y.Noda phải đối mặt với chia rẽ trong Quốc hội khi liên minh cầm quyền không có được đa số tại Thượng viện, công cuộc tái thiết đất nước được dự báo sẽ khó khăn hơn. Song với quyết tâm và sự nỗ lực không mệt mỏi, chắc chắn người dân xứ Mặt Trời mọc sẽ sớm vượt qua được thử thách để vươn lên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.