(HNM) - Sau những lùm xùm về tiến độ thi công, Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích đang được chủ đầu tư cùng đơn vị thi công tích cực đẩy nhanh tiến độ.
Ngắc ngoải một dòng cổ tích
Bắt nguồn từ vùng núi Ba Vì, sông Tích chảy qua các huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và hợp lưu với sông Bùi (từ Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chảy về) tại ngã ba Tân Trượng, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ). Sau đó, sông chảy qua huyện Chương Mỹ rồi nhập vào sông Đáy tại ngã ba Ba Thá giáp ranh 3 huyện Chương Mỹ, Ứng Hòa và Mỹ Đức.
Nằm tròn vẹn trong lòng Hà Nội, sông Tích có nhiệm vụ cấp nước tưới cho khoảng 16.000ha đất nông nghiệp thuộc các huyện, thị mà nó chảy qua và thoát lũ trong mùa mưa. Đồng thời, sông Tích còn cung cấp nước sinh hoạt cho gần một triệu dân hai bên bờ và góp phần điều hòa môi trường.
Không có cửa thông với sông Đà hay sông Hồng để lấy nước, nguồn sinh thủy của sông Tích chủ yếu từ vùng núi Ba Vì. Thời trước, khi rừng còn nhiều và chưa có các hệ thống hồ đập để giữ nước, sông Tích có lượng nước dồi dào, dòng chảy duy trì ổn định. Nhờ đó, việc cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của các địa phương hai bên bờ sông cơ bản được đáp ứng. Tuy nhiên, khoảng hai mươi năm trở lại đây, nước sông Tích ngày càng cạn kiệt, nhất là vào mùa khô, nhiều đoạn sông đã chết. Nguyên nhân chính là diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp khiến nguồn sinh thủy giảm mạnh. Thêm vào đó, việc xây một loạt các hồ đập lớn nhỏ như: Suối Hai, Đồng Mô, Mèo Gù, Yên Hồng, Đồng Xô, Xuân Khanh, Vai Réo, Gốc Si thuộc các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây, Quốc Oai trên thượng lưu để giữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và làm du lịch khiến dòng chảy phía hạ lưu giảm mạnh. Nhiều đoạn trẻ con có thể đi bộ qua. Ấy là chưa kể các khu đô thị, nhà máy mới hình thành trong lưu vực đang xả thải ngày càng nhiều ra sông Tích khiến dòng sông đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nặng. Hiện nay, việc cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho các huyện, thị hai bên bờ sông phải thực hiện thông qua việc bơm tiếp nước từ sông Đà, sông Hồng vào sông Tích qua trạm bơm Trung Hà và trạm bơm Sơn Đà vừa tốn kém vừa không đáp ứng đủ cho sản xuất và sinh hoạt.
Công nhân đang khẩn trương thực hiện dự án kè sông Tích. |
Nhọc nhằn chọn điểm tiếp nước
Ông Nguyễn Đắc Thỏa, Giám đốc Ban quản lý dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích (gọi tắt là Ban sông Tích) cho biết, việc chọn điểm tiếp nước cho sông Tích cũng rất kỳ công. Lúc đầu cơ quan tư vấn đề xuất mở cửa thông với sông Hồng tiếp nước cho sông Tích tại Bến Mắm (phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây) với lưu lượng dự kiến đưa vào thường xuyên là 23m3/s. Phương án này có ưu điểm là gần sông Hồng nhất. Nhưng, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương án này, bởi vì vào mùa khô mực nước sông Hồng tại Bến Mắm rất thấp, nhất là những năm hạn nặng, khó có khả năng đưa nước vào sông Tích. Mặt khác, nếu lấy nước từ Bến Mắm thì các xã vùng cao huyện Ba Vì không có thêm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.
Bỏ đề xuất tiếp nước cho sông Tích ở Bến Mắm, đơn vị tư vấn gợi ý chọn địa điểm tiếp nước từ sông Đà thuộc địa phận huyện Ba Vì. Phương án này tuy phải đào đắp nhiều song có ưu điểm là mực nước mùa kiệt ở đây cao hơn. Nước tiếp nhận từ sông Đà sẽ tưới được cho cả các xã vùng cao và vùng hạ du nhưng khảo sát cho thấy nền địa chất yếu không đủ điều kiện để xây cống tiếp nước.
Sau khi tiếp tục nghiên cứu, khảo sát và qua nhiều cuộc hội thảo, cuối cùng địa điểm được chọn để tiếp nước cho sông Tích là thôn Lương Phú, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) trên bờ hữu sông Đà, cách điểm định chọn thứ hai khoảng 2 cây số. Nguyên nhân chính là tại Lương Phú mực nước mùa kiệt thường xuyên đạt khoảng +9,00 mét. Những chuyên gia về thủy lợi khẳng định, với mực nước như vậy, việc tiếp nước cho sông Tích sẽ ổn định và có tính khả thi cao. Ông Thỏa kể lại: "Chúng tôi thở phào khi anh em đi khoan khảo sát báo về mũi khoan đã gặp nền đá gốc, đủ điều kiện địa chất để đặt cống tiếp nước tại Lương Phú, xã Thuần Mỹ".
Tấp nập "công trường" Thuần Mỹ
Khoảng một tháng nay, xã Thuần Mỹ tấp nập máy xúc, máy ủi, xe trộn bê tông, máy khoan, công nhân… Mọi phương tiện và nhân lực đang được huy động để tập trung hoàn thành phần việc đào mới lòng dẫn từ cống đầu mối đến K0+200 đê hữu Đà dài hơn 2 cây số, được gia cố bằng bê tông cốt thép. Việc đào mới lòng sông từ đê hữu Đà nối với lòng dẫn sông Tích bên dưới Đầm Long với chiều dài 10 cây số cũng đang được tích cực triển khai. Ông Đinh Công Sơn, Phó ban sông Tích nhận định, cứ với đà thi công này và khâu giải phóng mặt bằng không có vướng mắc gì đặc biệt, giai đoạn I của dự án sẽ được hoàn thành vượt tiến độ.
Công nhân Bùi Văn Vinh, nhà ở Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) cho biết, mấy bữa nay anh em đều phải làm 3 ca. Đợt trước, ca 3 chỉ là làm thêm giờ, thường kéo dài từ 13h30 đến 20h30. Đợt này, ca ba được chia ra, bắt đầu từ 18h30 đến 22h30. Những hôm đổ bê tông công nhân làm gần như cả đêm. "Đa phần thì vẫn đổi ca nhưng có hôm làm thông ca luôn vì công việc đang dở dang", anh Vinh nói.
Vất vả nhất là khâu khoan đá gốc. Theo ông Nguyễn Văn Lý, Đội trưởng đội 1, dù đã đi nhiều công trình khắp các tỉnh phía Bắc nhưng ít thấy điểm nào đá gốc cứng như ở đây. "Cứ hai ngày là phải thay một mũi khoan cỡ lớn", ông Lý kể. Đoạn cống tiếp nước chỉ dài khoảng 300m nhưng hai máy khoan sẽ phải đào khoảng 16.000 tấn đá trong vòng 2 tháng mới có thể xong.
Một phần việc khá phức tạp khác là đóng cừ đoạn sông có nền địa chất yếu. Anh Trần Mạnh Hùng, phụ trách phần việc đóng cừ cho biết, vì liên quan nhiều đến kỹ thuật nên đội đóng cừ phải chuyên nghiệp mới bảo đảm chất lượng. Phần đóng cừ đã xong được 200m đầu tiên. Sắp tới, khi cừ nguyên cây dài 16m được nhập khẩu về thì đội đóng cừ sẽ tiếp tục công việc. Anh Hùng lý giải, vì phía dưới đoạn này toàn là cát chảy nên công ty đã phải nhập hẳn cừ 16m thay vì cừ 12m như ban đầu và việc đóng cừ 16m cũng khó hơn. "Nếu không đóng bằng cừ 16m thì chất lượng công trình sẽ khó bảo đảm", anh Hùng khẳng định.
Từ ngày công trường tấp nập người xe, cuộc sống của người dân Thuần Mỹ cũng có nhiều xáo trộn. Cụ Vũ Bình Sơn phàn nàn, vào những ngày mưa, các cháu của ông đi học rất khổ, các con vào thăm bố mẹ cũng khó. Nhưng ông cũng cho rằng, khi dự án tiếp nước hoàn thành, cuộc sống ở quê ông sẽ có nhiều đổi thay. Người đi làm màu không phải khoan giếng lấy nước vào mùa khô. Đường hai bên sông sẽ giúp giao thông thuận tiện và du lịch sẽ phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.