Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồi sinh dòng sông "chết"

Hoàng Văn| 29/04/2016 06:11

(HNM) - Với mục đích làm hồi sinh dòng sông


Dòng sông đang chết...

Đã nhiều năm nay, người dân dọc bên bờ Sông Đáy phải chấp nhận sống chung với dòng sông bị ô nhiễm. Bà Nguyễn Thị Hương ở xã Tiền Yên (Hoài Đức) cho biết: 20 năm trước, nước Sông Đáy trong xanh, sạch sẽ, người dân vẫn lấy về tưới rau và sinh hoạt hằng ngày. Thế nhưng, mươi năm trở lại đây, dòng sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước thải sinh hoạt, nước thải của các làng nghề chưa qua xử lý xả trực tiếp ra sông khiến nước sông đen ngòm, đặc quánh, đã bốc mùi hôi tanh. Nhiều đoạn sông, từ huyện Hoài Đức xuống Thanh Oai bị bồi lắng, lấn chiếm nên dòng chảy bị thu hẹp như một con kênh nhỏ.

Cải tạo bờ sông, chống lấn chiếm là một trong những giải pháp để cứu Sông Đáy. Ảnh: Bá Hoạt


Trước thực trạng đó, năm 2003, Bộ NN&PTNT đã đầu tư hơn 536 tỷ đồng xây dựng hợp phần 1, cụm công trình đầu mối Sông Đáy gồm các hạng mục: Cống Cẩm Đình - Hiệp Thuận và hệ thống kênh dẫn nước dài 11,3km. Theo ông Lưu Đức Hiểu, Phó Giám đốc Ban Quản lý Công trình phân lũ Đập Đáy, sau khi hoàn thành hợp phần 1 vào năm 2008, Bộ NN&PTNT tiếp tục cho nạo vét, cải tạo Sông Đáy từ cống Hiệp Thuận (Phúc Thọ) đến xã Tiền Yên (Hoài Đức), có chiều dài 7,8km. Thời gian thực hiện từ năm 2009 đến năm 2015. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất của cụm công trình là đưa nước Sông Hồng vào Sông Đáy qua cửa cống Cẩm Đình trong mùa khô đã không thành hiện thực. Cao trình đáy cống Cẩm Đình và kênh dẫn cao hơn nước mặt Sông Hồng dẫn đến việc làm "sống lại dòng Sông Đáy" trở nên không khả thi.

Tương tự, dự án nạo vét, cải tạo dòng Sông Đáy từ cống Hiệp Thuận đến xã Tiền Yên cũng gặp không ít khó khăn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Ban Quản lý các dự án nông nghiệp thủy lợi (Sở NN&PTNT Hà Nội) - đại diện chủ đầu tư cho biết: Dự án có tổng mức đầu tư hơn 350 tỷ đồng, theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2012, sau đó Bộ NN&PTNT gia hạn đến cuối năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể thông dòng. Kiểm tra thực tế, hiện mới có duy nhất gói thầu số 16, xây dựng cầu Hiệp Thuận đã hoàn thành, đang chờ nghiệm thu và bàn giao. Các gói thầu còn lại đều dang dở. Cụ thể, gói thầu số 2 đạt 94% khối lượng, gói thầu số 3 đạt 90%, gói thầu số 6 đạt 91%...

Đặc biệt, gói thầu số 7, đến thời điểm tháng 4-2016, đơn vị thi công mới thi công được khoảng 20% khối lượng công việc. Lý giải về sự chậm trễ này, ông Vũ Đức Lâm, đại diện đơn vị thi công Công ty liên danh cổ phần Đầu tư xây dựng Đại An cho biết: Tháng 12-2015, huyện Hoài Đức mới bàn giao mặt bằng nên tiến độ thi công bị ảnh hưởng. Hiện nay vẫn còn khoảng 6.200m2 đất chưa được bàn giao do có tranh chấp giữa các hộ dân. Ông Nguyễn Danh Vụ, Trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp thủy lợi cho biết: "Chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND huyện Hoài Đức tập trung tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, cam kết hoàn thành giai đoạn 1 của dự án trong tháng 10-2016. Khi thông dòng, bảo đảm dẫn được lưu lượng nước đạt 36,24m3/s, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các địa phương và tiêu thoát nước cho lưu vực hai bên bờ Sông Đáy trên địa bàn Hà Nội.

Một khúc Sông Đáy trên địa bàn huyện Thanh Oai. Ảnh: Bá Hoạt


... và giải pháp hồi sinh

Về việc mực nước Sông Hồng thấp không chảy được vào hệ thống cống và kênh dẫn Cẩm Đình - Hiệp Thuận vào mùa cạn, ông Lưu Đức Hiểu, Phó Giám đốc Ban Quản lý công trình phân lũ Đập Đáy lý giải: Do "nạn" khai thác cát trên Sông Hồng thời gian qua và việc xây dựng hệ thống thủy điện trên thượng nguồn đã ngăn chặn hơn 3 triệu mét khối bùn, cát phù sa bồi lắng trong một năm, dẫn tới nước Sông Hồng giảm sâu, có thời điểm nước sông trơ đáy.

Một nguyên nhân khác, theo ông Phạm Văn Thanh, Phó phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Ban Quản lý công trình phân lũ đập Đáy: Cửa cống Cẩm Đình và kênh dẫn đưa vào sử dụng từ năm 2008 đến nay chưa được nạo vét lần nào nên lượng bùn cát bị bồi đắp khá lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng dòng chảy vào kênh dẫn và Sông Đáy...

Để giải quyết thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi đề xuất: Xây dựng 1 trạm bơm cột nước thấp 1-3m phía trước cống Cẩm Đình để nâng mực nước lên bằng thiết kế, lưu lượng trạm bơm tương đương với nhu cầu lấy nước về mùa khô. Trong khi đó, Viện Khoa học Thủy lợi và Sở NN&PTNT Hà Nội đưa ra ý tưởng "tiếp nước Sông Đáy, Sông Nhuệ và làm "sống lại" các sông nội thành" bằng việc ngăn Sông Đà dẫn nước vào Sông Tích và xây dựng hệ thống kênh nổi từ Sông Tích theo hướng quốc lộ 32 cắt qua Sông Đáy tại xã Hiệp Thuận (Phúc Thọ), Sông Nhuệ tại khu vực Cầu Diễn (Từ Liêm) về sông Tô Lịch tại khu vực Dịch Vọng (Cầu Giấy) về đến Hồ Tây... Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Các ý tưởng trên có tính xây dựng cao, Bộ sẽ tham khảo thêm các chuyên gia khác để đưa ra giải pháp có tính khả thi nhất làm "sống lại dòng Sông Đáy".

Trong khi chờ có một giải pháp bền vững từ các nhà khoa học để "làm sống lại Sông Đáy", trước mắt Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục nạo vét dòng Sông Đáy giai đoạn 2, từ xã Tiền Yên (Hoài Đức) đến cầu Mai Lĩnh (Hà Đông), dài 14,4km. Đồng thời, đầu tư kinh phí để đẩy nhanh tiến độ khôi phục, nạo vét Sông Tích, để vào mùa khô tiếp nước từ Sông Tích vào Sông Đáy qua kênh tiêu Thụy Đức, còn mùa mưa vẫn mở cống Cẩm Đình, khi nguồn nước dồi dào sẽ điều tiết nước cho Sông Nhuệ... Đánh giá về giải pháp này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng đây là giải pháp khả thi nhất để dòng Sông Đáy sớm hồi sinh. Tuy nhiên, để triển khai phương án này, cần có kinh phí đầu tư nạo vét kênh Thụy Đức từ Trạm bơm Săn dẫn ra Sông Đáy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh dòng sông "chết"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.