(HNM) - Hội Nông dân huyện Ba Vì đã thành lập 31 câu lạc bộ sản xuất giỏi ở các xã, thị trấn với 1.068 thành viên. Nông dân xã Vạn Thắng và xã Cẩm Lĩnh đã trở thành trung tâm cung cấp gà tần, gà giống, mỗi ngày bán ra thị trường hàng tấn gà. Tại các xã Ba Trại, Thuần Mỹ đã xuất hiện nhiều trang trại gà công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, khu vực các xã miền núi, người dân đã tập trung vào chăn nuôi bò sữa và hiện số lượng bò sữa chiếm 2/3 tổng đàn bò sữa của huyện, với hơn 4.000 con. Nông dân xã Cổ Đô, xã Phú Đông... đã lập khu nuôi trồng thủy sản, thu nhập mỗi năm đạt 80-200 triệu đồng/ha. Đến nay, huyện Ba Vì có 338 trang trại chăn nuôi trong đó có tới 308 trang trại của hội viên nông dân.
Hội Nông dân trung ương và Hà Nội thăm mô hình nông nghiệp giá trị cao tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Sơn Tùng |
Hội Nông dân huyện Gia Lâm đã đề xuất chương trình bàn giao 500 con bò cho hộ nghèo, hộ thiếu vốn và được cấp ủy, chính quyền thông qua, bà con ủng hộ. Từ năm 2007 đến nay, các cấp hội của huyện đã bàn giao 2.501 bò giống cho các hộ nghèo, hộ thiếu vốn và tổng số vốn ưu đãi huy động được từ các nguồn phục vụ chương trình đạt hơn 20 tỷ đồng. Chương trình chăn nuôi bò này đã tận dụng được nguồn thức ăn trong nông nghiệp, cải thiện đời sống của người dân.
Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho biết: Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, trung tâm và các huyện, quận, thị hội tập trung xây dựng ít nhất mỗi đơn vị một mô hình, đề án nổi bật; đã và đang thực hiện đề án hỗ trợ tiêu thụ nông sản; mô hình thâm canh cá rô đầu vuông theo quy trình sinh học tại huyện Phú Xuyên; mô hình trồng phật thủ tại Từ Liêm, Sóc Sơn, Hoài Đức… Triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản bằng nguồn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho 1.251 hộ nông dân nghèo ở 6 huyện mua bò phát triển sản xuất.
Ngoài ra, hội còn đẩy mạnh công tác xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân ở 3 cấp, với số tiền lên tới 360 tỷ đồng. Các cơ sở hội đã xây dựng 342 dự án trình ban điều hành quỹ phê duyệt cho 21.930 hộ nông dân vay vốn... Cùng với việc hỗ trợ vốn, Hội Nông dân Hà Nội đã tăng cường quảng bá, giới thiệu tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân; phối hợp triển khai xây dựng hệ thống "Sàn kết nối cung - cầu nông nghiệp, thực phẩm", tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt thông tin thị trường; phối hợp với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, giúp đỡ nông dân mua vật tư, phân bón bằng phương thức trả chậm; tập huấn kỹ thuật, quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại, thức ăn gia súc và nhiều loại máy nông nghiệp. Hội Nông dân thành phố cũng đã có các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, từng bước xây dựng nông thôn Hà Nội ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Nhờ vậy, năm 2012, dù kinh tế chung của toàn thành phố gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có hàng trăm nghìn hội viên nông dân Hà Nội đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận về vốn; thực hiện tốt liên kết "4 nhà" để đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; đào tạo nghề cho nông dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.