(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới (WHS), một trong những diễn đàn quốc tế quan trọng nhất về sức khỏe toàn cầu vừa diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 24-10 đến 26-10) tại thủ đô Berlin (Đức) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Trong bối cảnh thế giới đang gồng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, nội dung trọng tâm của sự kiện mang ý nghĩa chiến lược với y tế toàn cầu này là kiểm soát tình hình dịch bệnh hiện nay, sẵn sàng ứng phó với các thách thức về y tế trong tương lai. Tất cả vì một thế giới khỏe mạnh hơn...
Sáng kiến tổ chức WHS được thực hiện từ năm 2009 nhân kỷ niệm 300 năm thành lập Bệnh viện Charite ở Berlin (Đức) và được lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo trợ. Kể từ đó, hàng nghìn đại biểu tới từ hơn 100 quốc gia họp hằng năm để giải quyết các nhiệm vụ cấp bách trong chăm sóc y tế, với mục đích cải thiện sức khỏe toàn cầu và thiết lập lộ trình cho một tương lai khỏe mạnh hơn. Theo thông tin từ website của WHS, sự kiện năm nay thu hút hơn 6.000 người tham gia, trong đó có khoảng 400 diễn giả từ khắp nơi trên thế giới.
Trong 3 ngày diễn ra hội nghị, Giáo sư Axel R.Pries, Chủ tịch WHS đã kêu gọi các đại biểu đề xuất chiến lược bền vững cho hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về y tế và ngăn chặn dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, các cuộc thảo luận đã tập trung vào các chủ đề cấp bách, đặc biệt là chiến lược toàn cầu để kiểm soát và ngăn chặn đại dịch, vai trò của châu Âu và WHO đối với sức khỏe toàn cầu, chính sách công bằng vắc xin, cũng như biến đổi khí hậu và sức khỏe.
Trong thông điệp gửi tới WHS, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ ra rằng, hội nghị năm nay diễn ra vào thời điểm các hệ thống y tế trên toàn thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Thành công của vắc xin phòng Covid-19 đang bị hủy hoại bởi tình trạng phân phối không đồng đều. Ba phần tư số vắc xin đã được chuyển đến các nước có thu nhập trung bình và cao. Chủ nghĩa dân tộc và tích trữ vắc xin đang khiến tất cả mọi người gặp rủi ro. Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều người tử vong hơn, hệ thống y tế quá tải hơn, kinh tế khó khăn hơn và đó là môi trường hoàn hảo để các biến chủng phát tán.
Theo trang Euronews, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, đại dịch Covid-19 còn lâu mới có thể kết thúc khi mỗi tuần vẫn có khoảng 50.000 người tử vong. Ông bày tỏ lo ngại sẽ còn nhiều đại dịch hơn nữa trong tương lai bởi vi rút lây lan nhanh, đô thị hóa, phá rừng, biến đổi khí hậu… đều đang làm tăng nguy cơ dịch bệnh. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh: “Chúng ta có trong tay tất cả các công cụ cần thiết. Tuy nhiên, thế giới chưa sử dụng tốt những công cụ này”. Tổng Giám đốc T.A.Ghebreyesus cũng chỉ trích sự thiếu công bằng trong phân phối vắc xin phòng Covid-19 khi một số quốc gia đã tiến tới việc sử dụng liều tăng cường, trong khi một phần lớn dân số ở các nước kém phát triển thậm chí còn chưa được tiêm mũi vắc xin đầu tiên.
Xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng trong việc hưởng thụ các dịch vụ y tế, hướng tới đoàn kết toàn cầu trong ứng phó với dịch bệnh… cũng là nội dung trong những lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo, các đại biểu tham dự hội nghị. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định: “Các mối đe dọa về sức khỏe xuyên biên giới đòi hỏi các phản ứng xuyên biên giới”. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh: “Đoàn kết là tiêu chuẩn vàng để vượt qua đại dịch này”. Đây cũng là mong muốn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres: “Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới năm nay hãy chuyển từ báo động sang hành động. Hãy mang đến những hệ thống y tế mạnh mẽ hơn mà mọi người đều xứng đáng được hưởng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.