(HNM) - Tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến “Tham vọng khí hậu” năm 2020, lãnh đạo hơn 70 quốc gia đã có những cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về việc tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015. Sự kiện này là một bước hiện thực hóa nỗ lực nhằm kiềm chế trái đất ấm lên, hướng tới một tương lai xanh.
Hội nghị do Liên hợp quốc, Anh, Pháp phối hợp với Chile và Italia tổ chức vào ngày 12-12-2020 là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của nhân loại khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 5 năm ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đây cũng là dịp cuối cùng để các nước trao đổi, thảo luận trước khi đệ trình kế hoạch cắt giảm khí thải mới vào ngày 31-12-2020 theo quy định của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Với ý nghĩa đó, các nhà lãnh đạo đã đồng loạt công bố kế hoạch cắt giảm khí thải và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới sẽ cắt giảm 65% lượng khí thải trên một đơn vị tổng sản phẩm nội địa (GDP) so với mức năm 2005, đồng thời tăng tỷ lệ nhiên liệu không hóa thạch trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên khoảng 25% vào năm 2030. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố mục tiêu mới của nước này là đạt công suất năng lượng tái tạo 450 gigawatt vào năm 2030. Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tái khẳng định mục tiêu của Nhật là hướng tới một "xã hội xanh" thông qua công nghệ đột phá như tái chế carbon, nhiên liệu hydro, phương tiện giao thông chạy điện. Về phần mình, Thủ tướng Boris Johnson cam kết Anh sẽ cắt giảm ít nhất 68% khí thải trước năm 2030 và chấm dứt tài trợ năng lượng hóa thạch ngay khi có thể. Một ngày trước khi khai mạc hội nghị, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đồng thuận nâng mức giảm khí thải trước năm 2030 lên 55% (so với năm 1990).
Trong bối cảnh nhiệt độ trái đất vẫn tiếp tục tăng, việc lãnh đạo các quốc gia cam kết, công bố lộ trình và đưa ra giải pháp thực hiện nhằm hướng tới một "tương lai xanh" được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến mới. Nói về tình trạng trái đất nóng lên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo, nhân loại đang phải đương đầu với những hậu quả ghê gớm dù nhiệt độ trái đất mới chỉ tăng 1,2 độ C. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cũng kêu gọi các nước sớm tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai phát thải carbon thấp.
Ngay sau lời kêu gọi của Liên hợp quốc, đã có hơn 122 quốc gia thông báo ý định nâng cấp mục tiêu cắt giảm khí thải, 38 nước tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”. Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới cũng mạnh mẽ theo đuổi mục tiêu xanh. Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho biết, công ty công nghệ Mỹ đã trung hòa carbon đối với mọi hoạt động nội bộ, đồng thời hỗ trợ 95 đối tác cung ứng trên toàn cầu tiến tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Song song với những cam kết và thành tựu bước đầu, các ý kiến tại hội nghị cũng chỉ ra một số bất cập trong nỗ lực theo đuổi các mục tiêu xanh. Cụ thể là kinh phí dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cải thiện khả năng thích ứng của các vùng và cộng đồng chịu tác động nặng nề từ các cuộc khủng hoảng khí hậu còn thấp; các nước phát triển chưa cam kết ngân sách hỗ trợ cụ thể dành cho những nước đang phát triển...
Dù vẫn còn một vài khác biệt, tuy nhiên, hội nghị lần này đã thể hiện mạnh mẽ cam kết của các nước trong việc theo đuổi một tương lai xanh. Sự kiện cũng một lần nữa khẳng định Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vẫn là "kim chỉ nam" cho những thay đổi tích cực vì môi trường thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.