Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU: Thống nhất Chiến lược ứng phó đại dịch

Minh Hiếu| 28/02/2021 07:01

(HNM) - Nhiều vấn đề mang tính chiến lược chung đã được lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thảo luận và đi đến thống nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến kéo dài 2 ngày vừa kết thúc. Trọng tâm xoay quanh các giải pháp ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, đặc biệt là việc cải thiện khả năng phối hợp giữa các quốc gia thành viên.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Liên minh châu Âu từ Brussels (Bỉ).

Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU được tổ chức trong hai ngày 25 và 26-2, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại khu vực, kèm theo sự xuất hiện của các biến chủng mới. Toàn châu Âu đã ghi nhận 38 triệu trường hợp mắc Covid-19, trong đó đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 531.000 người dân EU. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội nhằm làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh đã gây ra cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc nhất từ trước đến nay trong khối này và hệ quả được dự báo sẽ còn kéo dài. 

Trong bức thư gửi lãnh đạo các nước EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh ưu tiên của EU vẫn là tăng tốc chiến dịch tiêm chủng trên toàn khối, đẩy nhanh quá trình cấp phép, nghiên cứu, sản xuất và phân phối vắc xin an toàn, hiệu quả. Thời gian qua, có rất nhiều ý kiến về sự triển khai chậm trễ và kém hiệu quả của các chương trình tiêm chủng trên khắp EU, trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giao hàng chậm. Khối này cho rằng lỗi chủ yếu thuộc về các hãng dược phẩm vì đã không thể đáp ứng các đơn đặt hàng lớn và hy vọng việc này sẽ được thực hiện hiệu quả vào tháng 4 tới. Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh đến những tiến bộ đã đạt được và lưu ý rằng 8% dân số trưởng thành của EU đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi mà các nhà lãnh đạo của EU phải nỗ lực giải quyết là chứng nhận kỹ thuật số cho những người đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia tin rằng một kế hoạch như vậy có thể giúp giảm bớt gánh nặng cho ngành hàng không, du lịch và giúp tránh lặp lại tổn thất như mùa du lịch hè năm ngoái. Tuy nhiên, các nước khác còn chần chừ trước lo ngại về vấn đề phân biệt đối xử và nguy cơ những người đã được tiêm chủng vẫn mang vi rút. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, đã có sự đồng thuận giữa các nước về việc áp dụng “hộ chiếu” vắc xin, song vẫn chưa rõ “giấy thông hành” này nên được sử dụng như thế nào. Tuyên bố chung của hội nghị kêu gọi xem xét và nghiên cứu một cách tiếp cận chung về “hộ chiếu” vắc xin và sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu C.Michel khẳng định, các quốc gia vẫn cần áp dụng biện pháp hạn chế hoạt động đi lại để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Các nhà lãnh đạo EU nhất trí cho rằng, tình hình dịch tễ học còn nghiêm trọng và các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 đang đặt ra nhiều thách thức mới; cần duy trì các hạn chế song song với việc đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy cung cấp vắc xin. Tuy vậy, EC đang lên các phương án phối hợp nhằm nới lỏng một số hạn chế ở biên giới giữa các quốc gia EU, bởi việc đưa ra những hành động đơn phương có nguy cơ làm gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa và chuỗi cung ứng trên thị trường.

Mặc dù cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, song các nhà lãnh đạo EU cho rằng, đã đến lúc bắt đầu củng cố nền tảng sức khỏe của người dân, cải thiện khả năng phối hợp để bảo đảm ứng phó tốt hơn cho các tình huống khẩn cấp về y tế. Hội nghị của các nhà lãnh đạo châu Âu đã khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các mối đe dọa về sức khỏe cả ở hiện tại và trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU: Thống nhất Chiến lược ứng phó đại dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.