Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ''nóng'' với vấn đề năng lượng

Theo Trần Quyên/TTXVN/Vietnam+| 22/10/2021 15:39

Liên minh châu Âu đã hối thúc các quốc gia sử dụng khẩn cấp "hộp công cụ" để hỗ trợ trong ngắn hạn cho những người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất cũng như các công ty châu Âu.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 21-10 đã nỗ lực thảo luận để có thể đạt được sự đồng thuận chung trong việc giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng vọt, vấn đề đã phơi bày những bất đồng về mục tiêu chống biến đổi khí hậu của liên minh này và gây chia rẽ quan điểm về việc liệu cuộc khủng hoảng giá năng lượng có thể giúp cải cách những quy định trên thị trường năng lượng EU.

Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một gói các biện pháp được gọi là "hộp công cụ" mà chính phủ các nước có thể thực hiện và cho biết, EU sẽ xem xét những giải pháp mang tính dài hạn hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang xảy ra ở châu Âu.

Hầu hết các quốc gia đã lên kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo vệ người tiêu dùng như cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho những hộ gia đình nghèo hơn.

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU bắt đầu từ ngày 21-10, liên minh này đã hối thúc các quốc gia sử dụng khẩn cấp "hộp công cụ" để hỗ trợ trong ngắn hạn cho những người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất cũng như các công ty châu Âu.

Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn hơn đang gây bất đồng giữa các nước, liên quan đến việc EU cần hành động như thế nào để có thể tự bảo vệ nếu tình trạng giá năng lượng lại tiếp tục tăng vọt trong tương lai.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, hội nghị đã đề nghị EC nghiên cứu về chức năng của thị trường khí đốt và điện, cũng như Hệ thống mua bán phát thải (ETS) của EU, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan Quản lý thị trường và chứng khoán châu Âu (ESMA). Sau đó, EC sẽ đánh giá liệu những hoạt động giao dịch có cần dựa trên những quy định khác nữa hay không.

Ba Lan, Cộng hòa Séc và Tây Ban Nha đã yêu cầu EU hạn chế sự tham gia của các nhà đầu cơ tài chính vào thị trường carbon, vấn đề mà các nước này cho là nguyên nhân khiến giá CO2 tăng lên mức cao kỷ lục.

Trong khi đó, Ba Lan đề nghị EU điều tra nguyên nhân khiến giá khí đốt tăng cao ở châu Âu. EC đã nhất trí xem xét cả hai vấn đề nhưng không cam kết có thực hiện ngay lập tức.

Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục do nguồn cung bị thắt chặt trong khi các nền kinh tế đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, giá CO2 cũng tăng mạnh.

Tình trạng này đã thúc đẩy một số quốc gia thành viên kêu gọi EU có phản ứng chung, trong đó, Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp đã đề xuất một hệ thống mua khí đốt chung mới giữa các nước EU nhằm tạo ra các nguồn dự trữ chiến lược.

Trong khi đó, các nước khác như Đức và Hà Lan, lại thận trọng với việc sửa đổi những quy định của EU trong ứng phó với cuộc khủng hoảng mà các quốc gia này cho là sẽ diễn ra trong ngắn hạn. EC cho rằng, giá khí đốt có thể ổn định ở mức thấp hơn trước tháng 4-2022.

Ngoài ra, việc giá năng lượng tăng đột biến cũng gây ra những bất đồng trong chính sách của EU về chống biến đổi khí hậu, trong đó, Ba Lan đã kêu gọi EU thay đổi hoặc trì hoãn một số biện pháp "xanh" đã được lên kế hoạch.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã bác bỏ chính sách khí hậu của EU vì cho rằng đó là những kế hoạch "không tưởng".

Những quan điểm này đã đi ngược lại với lập trường của những quốc gia khác cho rằng giá khí đốt cao sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của EU nhằm giảm sử dụng nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, vốn hay biến động về giá.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ''nóng'' với vấn đề năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.