Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh G20: Chồng chất những quan ngại

Phương Quỳnh| 07/09/2013 07:15

(HNM) - Ngày 6-9, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã kết thúc sau phiên bàn thảo khá căng thẳng liên quan tới tình hình kinh tế thế giới.

Hồ sơ về Syria bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại St.Petersburg, Nga.



Một trong những đồng thuận đáng chú ý tại hội nghị có lẽ là kế hoạch hành động nhằm nhất thể hóa các chế độ thuế, tăng cường đấu tranh chống nạn trốn thuế, ủng hộ kế hoạch tăng tính minh bạch của việc đánh thuế. Đây là một bước để ngăn chặn các công ty đa quốc gia như Google và Amazon lợi dụng kẽ hở pháp luật và các thiên đường trốn thuế để giảm mức thuế phải đóng. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua Chiến lược phát triển St.Petersburg với những ưu tiên phát triển cơ bản mang tính chiến lược cho các nước thành viên trong trung hạn như củng cố cam kết của G20 về tăng trưởng chung và thúc đẩy sự phát triển của nhóm.

Thế nhưng, đồng thuận này không đủ để xua tan lo ngại về những rủi ro khi điều kiện cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng quay lại vẫn còn hiện hữu. Bằng chứng là mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013 xuống 3,1%, trong khi các dự báo đưa ra một năm trước xoay quanh mức 4%. Trong khi đó, triển vọng trỗi dậy của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi - vốn được coi như một chỗ dựa cho sự phục hồi của kinh tế thế giới - đang đứng trước viễn cảnh không mấy sáng sủa. Mối quan ngại là có căn cứ khi tăng trưởng của Nga - một thành viên sáng giá của BRICS - trong quý II chỉ ở mức 1,2% và một số nhà phân tích còn cảnh báo xứ Bạch dương có thể đã rơi vào suy thoái kỹ thuật. Trong khi đó, Ấn Độ còn gặp những vấn đề thậm chí còn gay gắt hơn. Đồng rupee của nước này đã mất 1/5 giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ đang hứng chịu mức tăng trưởng thấp nhất trong một thập kỷ. Brazil cũng đang chứng kiến sự sụt giảm tiền tệ xuống mức thấp nhất so với USD kể từ tháng 12-2008. Và, dù tăng trưởng của Trung Quốc vẫn khá ấn tượng so với các nền kinh tế Châu Âu nhưng, nền kinh tế thứ hai thế giới đã có dấu hiệu giảm mạnh.

Hiện tại, bên trong các nền kinh tế của BRICS đang xuất hiện sự quan ngại sâu sắc về kế hoạch của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự định thu hẹp Chương trình nới lỏng định lượng (QE). Trong vài năm qua, nhờ QE, các nhà đầu tư Mỹ đã tung tiền đầu tư rẽ sóng vào các thị trường mới nổi và phần nào trở thành đòn bẩy kích thích tăng trưởng cho BRICS. Nhưng giờ đây khi nguồn tiền mặt không còn dồi dào, nguy cơ các dòng tiền mạnh lại chảy ra khỏi các thị trường BRICS sẽ khiến các đồng nội tệ nhanh chóng mất giá. Đây thực sự là một thách thức lớn, đặc biệt với các nền kinh tế đang phát triển. Trong khi đó, thỏa thuận thành lập kho dự trữ ngoại tệ chung của BRICS trị giá 100 tỷ USD vừa đạt được tại St.Petersburg để ổn định tiền tệ chưa thể phát huy tác dụng ngay vì các bên cần thêm nhiều thời gian để xây dựng lộ trình cụ thể.

Nhưng, những quan ngại về kinh tế dù lớn đến mấy xem ra đã "chìm nghỉm" trước những bất đồng sâu sắc về hồ sơ Syria. Dù Tổng thống nước chủ nhà Nga Vladimir Putin đã đề nghị các nhà lãnh đạo dự hội nghị chỉ bày tỏ quan điểm về vấn đề này tại bữa tiệc tối ngày 5-9, song chia rẽ sâu sắc về khả năng tấn công quân sự nhằm vào Damascus vẫn chi phối các nguyên thủ bên bàn hội nghị.

Còn quá sớm để khẳng định Syria là mầm mống cho một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ; song, những dấu hiệu xuống dốc trong quan hệ giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới đã hiện hữu. Ngay trong ngày khai mạc hội nghị, từ New York, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power đã không ngần ngại chỉ trích Nga đang giữ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) làm "con tin" và rằng việc Mátxcơva bảo vệ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đang "làm tê liệt" hệ thống HĐBA mà Nga có quyền phủ quyết trong giải quyết các cuộc khủng hoảng ở cấp độ quốc tế. Về phần mình, Nga cho biết Ngoại trưởng Syria Walid Muallem sẽ đến thủ đô Mátxcơva vào ngày 9-9, đúng ngày các nghị sỹ Mỹ dự kiến thông qua kế hoạch của Nhà Trắng về một cuộc chiến "có giới hạn" nhằm vào Syria.

Một cuộc tấn công quân sự ồ ạt của Mỹ chống Syria có thể nổ ra bất cứ lúc nào hiện rõ tại cuộc gặp G20 vừa khép lại. Thể trạng chưa hồi phục của nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ mới. Đó là sự chia rẽ. Nó đang khiến hành trình hợp tác giữa các cường quốc để tìm kiếm sự ổn định bền vững toàn cầu có thể rơi vào vùng thời tiết xấu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh G20: Chồng chất những quan ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.