(HNM) - Bất chấp quan hệ song phương căng thẳng do hàng loạt bất đồng nảy sinh, sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 22 diễn ra bằng hình thức trực tuyến diễn ra vào ngày 22-6 vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí triển khai mọi nỗ lực để ký kết thỏa thuận đầu tư toàn diện Trung Quốc - EU đầy tham vọng sau hơn 6 năm đàm phán. Là hai nền kinh tế lớn, các lĩnh vực mà EU và Trung Quốc hợp tác mang ý nghĩa quan trọng, có thể tạo ra những ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu.
Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - EU diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới và Lục địa già nảy sinh hàng loạt bất đồng xung quanh các vấn đề như quy định đầu tư và thương mại, an ninh quốc gia... Đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Ming trước đó đã "phàn nàn" về kế hoạch của EU nhằm siết chặt các quy định về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đối với các doanh nghiệp nước ngoài được nhận trợ cấp của chính phủ, trong đó đặc biệt nhắm tới các công ty của Trung Quốc. Quan hệ EU - Trung Quốc trở nên căng thẳng từ tháng 3-2019 khi Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên định nghĩa Trung Quốc là một "đối thủ mang tính hệ thống" bên cạnh vai trò đối tác kinh tế và cạnh tranh chiến lược. Ngoài ra, vấn đề công nghệ 5G cũng gây nhiều tranh cãi trong các nước EU liên quan tới yêu cầu của Mỹ là cấm Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng các mạng lưới 5G tại châu Âu.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình thế giới, EU và Trung Quốc đã tìm cách làm dịu những mâu thuẫn tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến tổ chức mới đây. Các vấn đề được thảo luận gồm: Công tác phòng, chống dịch Covid-19, các khoản đầu tư song phương và một số vấn đề khác. Tham gia cuộc hội đàm trực tuyến có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Tại hội nghị, hai bên tiếp tục tái khẳng định đàm phán Hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU và sẽ cố gắng đạt được hiệp định này trong năm 2020.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc là đối tác, không phải là đối thủ của EU, hai bên không có xung đột mang tính căn bản, hợp tác và nhận thức chung giữa hai bên lớn hơn bất đồng và cạnh tranh. Trung Quốc mong muốn hai bên trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau, không ngừng tăng cường hiểu biết và tin cậy để mở rộng hơn nữa lợi ích chung, xây dựng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU ngày càng có tầm ảnh hưởng trên phạm vi toàn thế giới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá, với tư cách là hai nền kinh tế lớn của thế giới, quan hệ giữa EU và Trung Quốc tràn đầy sức sống. Trong bối cảnh thế giới còn nhiều nhân tố bất ổn, chỉ có hợp tác quốc tế mới có thể đối phó với các thách thức chung toàn cầu. Mặc dù hội nghị không có tuyên bố chung, song phía EU nhấn mạnh sự kiện đã giúp đẩy nhanh tiến trình đàm phán về thỏa thuận đầu tư giữa hai bên vốn khởi động từ năm 2013.
Châu Âu và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn, khi cả hai đều bị “hấp dẫn” về sức mạnh kinh tế của nhau. EU đang phải đối mặt với thách thức là làm sao để thiết lập được quan hệ "cân bằng quyền lực" với người khổng lồ châu Á trong khi phải tìm kiếm sự đồng thuận. Mặt khác, liên minh này vẫn luôn cố giữ không bị cuốn vào "cuộc đấu" căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Dẫu vậy, EU vẫn luôn khẳng định, Trung Quốc là một đối tác cần thiết. Xu thế "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" giữa EU và Trung Quốc sẽ tạo ra những ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.