(HNM) - Hơn 20 nguyên thủ cùng nhiều quan chức cấp cao các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) đã có mặt ở thủ đô Malabo của Guinea Xích đạo, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 17 từ ngày 23-6 đến 1-7. Vấn đề Libya là một chủ đề nổi cộm bên cạnh các cuộc thảo luận về tình hình chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư tại châu lục.
Xung đột tại Libya là một vấn đề nổi cộm tại Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 17. |
Cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ đã khiến nhiều nhà lãnh đạo Lục địa Đen đau đầu. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên AU tham gia tìm kiếm giải pháp cho vấn đề hiện nay ở Libya. Hồi tháng 5-2011, liên minh này đã đề xuất lộ trình đàm phán hòa bình. Theo đó, AU đề nghị thành lập nhóm trung gian hòa giải cấp cao gồm lãnh đạo các nước châu Phi để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng và đã đề xuất lộ trình đàm phán để đi tới một cuộc bầu cử tại nước này. Tuy nhiên, những nỗ lực của AU dường như bị gạt sang bên lề nhường chỗ cho các cuộc không kích ồ ạt của liên quân nhằm nhanh chóng lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.
Do đó, tại Hội nghị thượng đỉnh AU lần này, dù những cuộc bàn thảo vẫn đang được tiến hành thì hy vọng về một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng Libya vẫn còn ở rất xa. Đây là một thực tế dẫu hiện nay, trong liên minh phương Tây đã xuất hiện những rạn nứt xung quanh giải pháp lật đổ nhà lãnh đạo M.Gaddafi. Và có chăng sự tham gia hỗ trợ của AU với Libya những ngày tới sẽ chỉ dừng ở mức trợ giúp 1,5 triệu dân thường Libya đang thiếu thốn lương thực, nhiên liệu, thuốc chữa bệnh, chỗ ở, nước sạch... do bị kẹt giữa những cuộc xung đột.
Cùng với vấn đề Libya, các nhà lãnh đạo châu Phi cũng thảo luận việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại nội khối cũng như giữa Lục địa Đen với các đối tác cũ như Mỹ, Anh, Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil; đồng thời soạn thảo định hướng chiến lược phát triển bền vững, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, đặc biệt là tình trạng hạn hán kéo dài tại các nước khu vực miền Đông châu Phi như Kenya, Ethiopia, Somalia, Sudan...
Một tín hiệu khả quan đến ngay trước thềm Hội nghị khi Đại hội đồng (ĐHĐ) Liên hợp quốc (LHQ) khóa 65 trong phiên họp toàn thể (22-6), đã thông qua hai nghị quyết về phát triển châu Phi và huy động tiềm năng toàn cầu trong hòa giải các cuộc tranh chấp. Trong đó, ĐHĐ LHQ đề nghị sử dụng công cụ hòa giải và các công cụ khác trong khả năng của mỗi nước để giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp, ngăn chặn và giải quyết các cuộc xung đột hiện nay tại châu Phi. Về thực hiện và tăng cường ủng hộ quốc tế đối với sáng kiến "Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi" (NEPAD), ĐHĐ LHQ nhấn mạnh sự cấp thiết phải thực hiện tất cả các cam kết của cộng đồng quốc tế đối với phát triển kinh tế xã hội của châu lục này.
Đến nay, những tác động bất lợi từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu về kinh tế, lương thực, nhiên liệu và biến đổi khí hậu… đến tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ (MDGs) tại châu Phi mới chỉ đạt 2%, mức thấp đáng lo ngại và không tương xứng với tiềm năng của châu lục này. Bởi vậy, Lục địa Đen đang rất cần nguồn lực đầu tư nước ngoài để vươn mình trỗi dậy.
Tất cả những vấn đề châu Phi đang vấp phải đã và đang được đặt lên bàn nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 17. Đây sẽ là những thách thức nan giải khi bản thân nội khối AU chưa đủ sức để giải quyết được những thách thức trong lòng châu lục. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Lục địa Đen giờ đây đang cần sự phối hợp, trợ giúp của cộng đồng thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.