(HNMO) - Một trong những kết quả quan trọng nhất đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 52 (AEM-52) là việc các bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy thực hiện các sáng kiến, ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra cho Năm Chủ tịch ASEAN - năm mà các nước ASEAN phải đối mặt với những thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19.
Đây là nhận định được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra trong buổi họp báo công bố kết quả AEM-52 và các hội nghị liên quan, diễn ra sáng 30-8 tại Hà Nội.
Thúc đẩy thực hiện 13 sáng kiến Việt Nam đưa ra
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, AEM-52 là sự kiện quan trọng nhất trong năm của kênh kinh tế ASEAN. Hội nghị là dịp để các bộ trưởng kinh tế ASEAN tổng soát lại tình hình hội nhập kinh tế khu vực từ đầu năm đến nay, cũng như thảo luận để thống nhất định hướng hoạt động trong nội khối và với các đối tác đối thoại.
Về nội khối, thảo luận của các bộ trưởng tại AEM-52 đã đưa ra các giải pháp tổng thể, giúp ASEAN trở thành một không gian kinh tế rộng lớn hơn, quy mô hơn, mang tính gắn kết chặt chẽ. Kết quả quan trọng nhất đạt được tại AEM-52 lần này đối với Việt Nam là việc các bộ trưởng thống nhất tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến, ưu tiên kinh tế do Việt Nam đưa ra cho Năm Chủ tịch ASEAN. Hai sáng kiến đã được hoàn tất, đó là “Chỉ số hội nhập số ASEAN” và “Tài liệu tham chiếu về kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo ASEAN”. Mười một sáng kiến còn lại đang được ASEAN nỗ lực triển khai, dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay.
Các nước ASEAN đã thống nhất hướng xử lý các vấn đề còn tồn đọng thông qua biểu thuế nhập khẩu thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chuyển đổi từ Danh mục hàng hóa ASEAN (AHTN) bản 2012 sang bản 2017 của Việt Nam; hoàn thành thủ tục chuẩn bị ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau đối với chứng nhận kiểu loại cho sản phẩm xe cơ giới trong ASEAN.
Các nước ASEAN cũng thống nhất thực thi Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN (AWSC) từ ngày 20-9-2020. ASEAN tiếp tục thảo luận và tìm ra các giải pháp nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN, đặc biệt là việc đánh giá giữa kỳ để có thể điều chỉnh Kế hoạch tổng thể năm 2025, thích ứng với những diễn biến mới .
Về hợp tác ngoại khối, các bộ trưởng kinh tế ASEAN đã đạt sự đồng thuận cao với bộ trưởng kinh tế các nước tham vấn, đối thoại từ đó có được những khung khổ định hướng lớn. Điều đó được thể hiện qua việc thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay, tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác khác như Australia, New Zealand, Canada, Vương quốc Anh.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng kinh tế ASEAN và đối tác đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế của dịch Covid-19 và sáng kiến chung giữa các bộ trưởng kinh tế ASEAN và Hàn Quốc về thúc đẩy kết nối kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Ưu tiên cho RCEP
Trả lời các câu hỏi được nhiều phóng viên trong và ngoài nước quan tâm về việc tiến tới ký kết RCEP vào tháng 11 năm nay, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, phần lớn các vấn đề còn tồn đọng liên quan đến RCEP đều đạt được kết quả khả quan; các bộ trưởng rất hài lòng và đánh giá đạt đúng tiến độ yêu cầu; đồng thời đưa ra những chỉ đạo cụ thể để giải quyết những vấn đề còn lại, như rà soát tính pháp lý, thực hiện quy trình nội bộ. Đặc biệt, các bộ trưởng kinh tế ASEAN thống nhất định hướng ưu tiên cho việc ký kết RCEP vào cuối năm nay.
Các bộ trưởng tin tưởng rằng, việc ký kết RCEP sẽ là cơ sở để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và làm bền vững hơn cấu trúc của kinh tế khu vực. Qua đó thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với hệ thống thương mại đa phương mở và dựa trên nguyên tắc, thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế khu vực.
Về câu hỏi khi RCEP được ký kết sẽ mang lại lợi ích cụ thể ra sao đối với ASEAN và Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, nếu được ký kết, RCEP sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, chiếm 32% tổng GDP toàn cầu, ở mức 32 nghìn tỷ USD, quy mô dân số chiếm 47,5% dân số thế giới.
Tại AEM-52 các bộ trưởng đều có chung nhận định, RCEP sẽ có đóng góp to lớn không chỉ cho tăng trưởng kinh tế mà còn cho việc củng cố và hoàn thiện hệ thống thương mại đa phương. Đây là hệ thống rất cần thiết cho toàn cầu hóa, cho trật tự kinh tế thương mại của thế giới đương đại.
“Đối với Việt Nam, RCEP khi được ký kết và đưa vào thực thi sẽ là mắt xích, điểm nhấn quan trọng để tiếp tục thực hiện chiến lược hội nhập, từ đó tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thực hiện cải cách hoàn thiện thể chế, đồng thời đổi mới mô hình tăng trường của đất nước. Thông qua ký kết RCEP và nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới khác, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của Việt Nam trong toàn cầu hóa và trong hội nhập với khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.